menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 2/3/2019: Gỡ khó XK nông sản; mua lợn tả bằng 70% giá thị trường…

23:43 02/03/2019

Vinanet - Tập trung gỡ khó xuất khẩu nông sản; Lợn tả châu Phi: sẽ mua bằng 70% giá thị trường để hỗ trợ người nuôi; Mexico áp thuế nhập khẩu 30% với sản phẩm dệt may và da giày…
Tập trung gỡ khó xuất khẩu nông sản
Theo sggp.org.vn, ngày 1/3/2019 tại Hà Nội, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức cuộc họp công bố thông tin và tình hình thị trường nông sản Việt Nam.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 2 tháng đầu năm 2019 giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 5,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu thủy sản và lâm sản vẫn tăng khá nhưng các mặt hàng nông sản chính (lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu…) lại giảm mạnh (khoảng 10,1%) nên kéo tụt chỉ số chung.
Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tháng 3-2019, lúa gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó khăn do các thị trường lớn của Việt Nam như Philippines, Indonesia chưa có kế hoạch nhập khẩu năm 2019, các doanh nghiệp cần tăng cường tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác ở châu Phi. Trong tháng 3, tận dụng lợi thế ưu đãi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu tôm và cá tra sẽ có nhiều ưu đãi về thuế, cần tuyên truyền và cập nhật thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Lợn tả châu Phi: sẽ mua bằng 70% giá thị trường để hỗ trợ người chăn nuôi
Thông tin từ tintucvietnam.vn , Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Chính phủ theo hướng sửa Nghị định 02, giá bằng 70% giá trị trường, nhưng phải cải cách hành chính, giá sao cho cho người dân tự giác, người dân báo tiêu huỷ.
Tính đến nay, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 96 hộ, thuộc 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam). Tại 5 tỉnh là Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình và Hà Nam, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên cả lợn rừng. Hiện đã có hơn 2.300 con lợn phải tiêu hủy với trọng lượng hơn 172.500 kg.
Hiện chính sách hỗ trợ tiêu hủy đang ở mức 27.000 - 38.000 đồng/kg, nhưng thủ tuc hành chính lại rất phức tạp khiến người chăn nuôi chậm nhận được tiền. Tỉnh Hưng Yên kiến nghị cần nâng mức hỗ trợ theo giá thị trường mới có thể ngăn chặn tình trạng người dân bán chạy lợn.
Chính việc người dân bán chạy lợn dẫn đến nguy cơ dịch lây lan. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019, trả lời câu hỏi báo chí liên quan đến các phương án hỗ trợ cho địa phương bị thiệt hại, giải pháp dập dịch trong thời gian tới.
Thông tin thêm về việc chống dịch bệnh châu Phi, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ NN&PTNT trình Chính phủ theo hướng sửa Nghị định 02, giá bằng 70% giá trị trường, nhưng phải cải cách hành chính, giá sao cho cho người dân tự giác, người dân báo tiêu huỷ, nếu rẻ quá không hỗ trợ thiệt hại được cho dân. Hiện Chính phủ đang làm quy định thủ tục.
Mexico sẽ áp thuế nhập khẩu đến 30% với sản phẩm dệt may và da giày
Trang vietnamplus.vn đưa tin, Mexico thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu từ 25%-30% đối với các sản phẩm dệt may và da giày từ các nước chưa có Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với quốc gia này.
Trong một thông cáo liên quan, Ernesto Acevedo Fernández -Thứ trưởng phụ trách Công nghiệp và Thương mại của Bộ Kinh tế Mexico- cho biết biện pháp thuế quan trên sẽ được áp dụng trong 6 tháng nhằm chống lại các hành vi thương mại bất bình đẳng và trợ giá trong các lĩnh vực trên.
Theo quan chức trên, ngành dệt may và da giày Mexico đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, đặc biệt từ các quốc gia châu Á.
Thống kê cho thấy trong tổng số nhập khẩu, 31% sản phẩm dệt may và 48% sản phẩm da giày nhập khẩu có sự trợ giá đến từ Mỹ và một phần không nhỏ từ châu Á.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Phòng công nghiệp dệt quốc gia Mexico, José Cohen cảnh báo trong trường hợp chính phủ không đưa ra các biện pháp kịp thời, 30% ngành công nghiệp dệt may Mexico sẽ biến mất sau 3 năm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và khoảng 150.000 lao động chính thức trong ngành này sẽ mất việc làm.
Theo CPTPP, Mexico có lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% từ 10-16 năm và 10-12 năm đối với sản phẩm da giày.
Bấp bênh giá nông sản Tây nguyên
Trang thanhnien.vn đưa tin, nhiều loại cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà phê, điều, cao su...giá xuống kỷ lục khiến hàng chục ngàn nông dân các tỉnh Tây nguyên thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.
Tây nguyên là vùng chuyên canh nhiều loại cây trồng lớn cho năng suất cao và thu về nguồn ngoại tệ đáng kể. Song vài năm nay, giá cả sụt giảm khiến hàng chục ngàn nông dân bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, việc đang phải đối mặt với nạn hạn hán được dự báo khốc liệt như năm nay khiến nguy cơ mất mùa đe dọa.
Hiện cả nước có khoảng 600.000 ha cà phê thì riêng khu vực Tây nguyên đã chiếm đến hơn 90% diện tích. Đa số diện tích này là cà phê kinh doanh. Niên vụ cà phê 2018 - 2019 do thời tiết biến động thất thường, lượng mưa kéo dài khiến cây bị rụng trái, lép hạt... dẫn đến giảm năng suất mạnh. Nhiều vùng bị giảm năng suất từ 20 - 30%. Hiện giá cà phê nhân xô ở khu vực các tỉnh Tây nguyên dao động trên dưới 33.000 đồng/kg. Hai niên vụ trước, giá cà phê nhân xô ở khu vực này từ mức giá hơn 40.000 đồng đã tụt xuống 35.000 đồng/kg và tụt xuống mức giá như hiện nay. Hàng chục ngàn hộ trồng cà phê ở Tây nguyên thiệt đơn thiệt kép.
Hơn 700 ha khoai lang Nhật ở H.Phú Thiện (Gia Lai) đang trong thời điểm thu hoạch song không tìm ra thương lái mua với số lượng lớn, phải bán rẻ mạt. Tương tự là cây điều, tiêu. Sau 2 năm giá điều tăng chóng mặt, lúc cao điểm lên đến 50.000 đồng/kg tươi khiến người dân đổ xô trồng loại cây này. Từ hai năm trở lại đây, giá tiêu tuột dốc không phanh, hiện chỉ còn 42.000 - 43.000 đồng/kg. Với suất đầu tư từ 250 - 300 triệu đồng/ha, nếu có đất sẵn, và phải đến năm thứ 3 mới bắt đầu cho thu hoạch, giá hồ tiêu rớt sâu khiến nông dân bị lỗ nặng. Nhiều nông dân đang ôm đống nợ ngân hàng và khó có khả năng trả.
Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ 'khốn đốn' vì hàng ách tắc tại cảng
Theo vietnambiz.vn, tính đến đầu tháng 3, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp cá ngừ này vẫn đang tiếp tục đảo lộn do những lô hàng nhập khẩu vẫn còn nằm tại cảng vì không được kiểm dịch để thông quan
Theo VASEP, trước tình trạng nhiều container cá ngừ nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung chuyển bị ách tắc, ngày 25/2 VASEP đã gửi công văn đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét chỉ đạo tạo điều kiện giải phóng cho các lô hàng đã ký hợp đồng và xuất bến trong nửa đầu tháng 2/2019.
VASEP cho hay tính đến đầu tháng 3, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp cá ngừ này vẫn đang tiếp tục đảo lộn do những lô hàng nhập khẩu vẫn còn nằm tại cảng vì không được kiểm dịch để thông quan theo Thông tư 36/2018 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản của Bộ NN&PTNT.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, họ nhận được thông tin về thông tư 36/2018 quá trễ, hầu hết là cận ngày hoặc đã qua ngày thông tư có hiệu lực. Trong khi đó, các doanh nghiệp đều ký hợp đồng mua nguyên liệu từ trước đó, thậm chí nhiều tháng trước thời điểm thông tư 36/2018 có hiệu lực.
Các container cá được vận chuyển liên tục về Việt Nam. Thời gian vận chuyển các container về Việt Nam thường mất từ 2 - 5 tuần tùy nơi xuất phát và quá trình giao hàng (giao 1 nơi hoặc nhiều nơi). Trước thực trạng ách tắc hàng cá ngừ nguyên liệu nhập khẩu tại cảng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ NN&PTNT dời thời hạn áp dụng thông tư 36 đến ngày 31/3.
Nguồn: VITIC tổng hợp 

Nguồn:Vinanet