menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 28/1/2019: Cảnh báo sản phẩm nhiễm Salmonella Poona nhập về VN

21:00 28/01/2019

Vinanet - Sau đây là một số thông tin đáng chú ý trong ngày: Cảnh báo sản phẩm nhiễm Salmonella Poona đã nhập khẩu về Việt Nam, Áp thuế tự về tạm thời xi măng nhập khẩu vào Philippines... 
Cảnh báo sản phẩm nhiễm Salmonella Poona đã nhập khẩu về Việt Nam
Trang cafef.vn đưa tin, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y Tế ) nhận được thông tin từ Mạng lưới các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế về sự cố an toàn thực phẩm liên quan đến việc một số trẻ nhỏ bị nhiễm Salmonella Poona xảy ra tại Pháp. Theo thông tin cảnh báo ban đầu, có 12 sản phẩm thuộc 22 lô bị cảnh báo đã nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2017 và 2018
Cục An toàn thực phẩm đã ngay lập tức liên hệ với công ty nhập khẩu các sản phẩm trên tại Việt Nam để khẩn trương tiến hành thu hồi toàn bộ các lô sản phẩm bị cảnh báo trên thị trường.
Cục đã có văn bản khẩn gửi các cơ quan hải quan và cơ quan kiểm tra nhà nước để dừng nhập khẩu các lô sản phẩm bị cảnh báo tại cửa khẩu và yêu cầu 63 Chi cục an toàn thực phẩm trong cả nước tiến hành giám sát các lô sản phẩm bị cảnh báo và tiến hành thu hồi ngay khi phát hiện ra.
Áp thuế tự về tạm thời xi măng nhập khẩu vào Philippines
Theo ndh.vn, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) quyết định áp dụng biện pháp tự về tạm thời đối với sản phẩm xi măng nhập khẩu vào Philippines. Sau quá trình điều tra, DTI kết luận lượng nhập khẩu xi măng vào nước này gia tăng đột biến và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. DTI quyết định áp dụng thuế tạm thời đối với xi măng nhập khẩu từ các nước là 210 peso/tấn (khoảng 4 USD/tấn) để bảo vệ cũng như thúc đẩy ngành sản xuất nội địa.
Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu và thị phần xuất khẩu lớn nhất vào Philippines trong giai đoạn 2014 - 2017. Xuất khẩu clinke và xi măng của Việt Nam sang Philippines liên tục tăng cả về khối lượng và giá trị kể từ năm 2014 đến năm 2018.
DTI cho rằng sự gia tăng nhập khẩu như vậy là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước này, thể hiện ở sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận cũng như giá bán của ngành sản xuất nội địa.
Xóa bỏ thuế 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản vào Nhật Bản
Trang thoibaotaichinhvietnam.vn đưa tin, theo các cam kết của Nhật Bản tại Hiệp định CPTPP, nước này cam kết xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Cụ thể, sẽ xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam); xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế năm thứ 11.
Nhật Bản cũng cam kết xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam; không cam kết mặt hàng gạo; áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm một phần hoặc cam kết kèm theo các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thịt trâu bò, thịt lợn, sữa, sản phẩm sữa, lúa mỳ, lúa gạo và các chế phẩm của chúng.
Đáng chú ý, đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ....
Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam - Nhật Bản sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Mặt hàng rau quả, cam kết mức thuế 0% vào năm thứ 3 hoặc năm thứ 5 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Năm 2019 ngành sữa sẽ bị cạnh tranh lớn về giá
Trang ndh.vn đưa tin, ngành sữa năm 2018 có dấu hiệu giảm tốc vì những thay đổi trong khẩu vị của người tiêu dùng. Sang năm 2019 khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, ngành sữa sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn, thuế nhập khẩu sản phẩm sữa từ New Zealand, Singapore, Nhật Bản sẽ cắt giảm xuống còn 0% khiến các dòng sản phẩm này tăng khả năng cạnh tranh về giá. Ngành sữa cũng sẽ phải đối mặt với rủi ro nhu cầu tiêu thụ sữa động vật và sữa bò tiếp tục giảm.
Một nguyên nhân khác là việc giảm tiêu thụ sản phẩm “sữa hoàn nguyên” truyền thống vốn có sản lượng cung ứng cao nhất, nhưng giá trị dinh dưỡng mang lại khá thấp.
Theo đánh giá, dư địa tăng trưởng của ngành sữa trong dài hạn vẫn khá tích cực. Mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ vào khoảng 26 lít/năm so với Thái Lan (35 lít/năm) hay Singapore (45 lít/người). Đồng thời, các yếu tố về nhân khẩu học như dân số đông với tốc độ gia tăng dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ cùng thu nhập tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng sữa trong dài hạn.
Tiêu hủy số lượng lớn hàng cấm, hàng nhập lậu
Theo cafef.vn, tại thành phố Ninh Bình, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức tiêu hủy nhiều lô hàng vi phạm hành chính bị phát hiện và thu giữ trong năm 2018 và đầu năm 2019.
Theo đó, số hàng hóa tiêu hủy gồm: 1.922 chiếc súng/kiếm (đồ chơi trẻ em), 226 chiếc đồ chơi trẻ em các loại khác, 9.804 hộp/gói và 204 thùng bánh kẹo các loại, 930 lít rượu, 195 chai phân bón lá, 1 tấn phân bón nhãn hiệu BASAFIC, 490 kg đồ khô (ruốc, mộc nhĩ, xoài sấy, táo sấy), 5000 dây pháo, 12.663 hộp/chai/gói/tuýp/túi mỹ phẩm các loại, 13 bộ thuốc lá điện tử, 80 bao thuốc lá điếu, 480 bóng đèn giả mạo Rạng đông, 95 mũ lưỡi trai, 130 balo, 177 đôi giày thể thao giả mạo nhãn hiệu Nike và Adidas, 43 chai nước mắm hết hạn sử dụng .... có tổng trị giá 599.383.000 đồng.
Toàn bộ hàng hóa trên là hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu không có công bố tiêu chuẩn chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng.
Giá cà phê giảm mạnh
Theo tin từ ndh.vn, kết thúc niên vụ cà phê (CP) 2018-2019, người trồng CP cả nước lại tiếp tục đau lòng vì giá cà phê rớt quá sâu, hiện chỉ còn hơn 33 triệu đồng/tấn, thấp nhất trong hàng chục năm qua.
Do CP rớt giá liên tục nhiều năm liền, nhiều hộ không còn mặn mà với chủ trương tái canh. Năm 2018, diện tích tái canh các vườn CP già cỗi của Đắk Lắk chỉ đạt hơn nửa so với chỉ tiêu 4.259 ha.
Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết sản lượng CP nhân niên vụ 2018-2019 tăng khoảng 4.400 tấn so với vụ trước, ước đạt hơn 464.000 tấn. Dù năng suất bình quân của CP tái canh đã đạt 2,7 tấn/ha, cao hơn năng suất bình quân của những vườn cây cũ 3 tạ/ha, nhưng diện tích CP Đắk Lắk vẫn giảm so với niên vụ trước khoảng 231 ha, hiện còn hơn 204.577 ha.
Theo giới phân tích thị trường, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, các nước EU... đã gây bất lợi cho giá nông sản. Giá trị đồng đô la Mỹ có khuynh hướng tăng cũng kéo lãi suất ngân hàng tăng, khiến các nhà nhập khẩu CP lớn của thế giới dè dặt, hạn chế mua vào.
Xe ô tô loại nhỏ, giá rẻ tiêu thụ rất mạnh
Theo dantri.com.vn, năm 2018 thị trường xe hơi Việt bùng nổ thực sự với mức tiêu thụ xe con đạt hơn 270.000 chiếc, trong đó lượng xe nhỏ sedan và hatchback là 112.600 chiếc, tăng hơn 28.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2018 cũng ghi nhận lượng bán các loại xe đa dụng tăng cao đạt hơn 68.100 chiếc, tăng hơn 12.800 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Các dòng xe đa dụng bán nhiều nhất năm 2018 là SUV, MPV cuối cùng là Crossover.
Trong các dòng xe nhỏ, giá rẻ, các dòng xe Toyota Vios có doanh số bán cao nhất thị trường với hơn 27.100 chiếc, tăng hơn 5.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Lượng xe Vios cũng có doanh số cao nhất trong cùng phân khúc.
Hyundai i10 năm 2018 cũng có doanh số đạt hơn 22.000 chiếc, tăng gần 4.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Dòng Kia Morning đứng thứ 3 về doanh số khi năm 2018 tiêu thụ đạt hơn 11.400 chiếc, tăng hơn 1.200 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Honda City có doanh số bán đạt hơn 10.800 chiếc, tăng hơn 4.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Trong số các dòng sedan, hatchback tại Việt Nam, Thaco - Trường Hải có tổng xe bán cao nhất thị trường khi đạt hơn 41.300 chiếc, nhiều hơn 5.000 chiếc so với thương hiệu xe Toyota.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:Vinanet