Nghịch lý doanh nghiệp đạm muốn chịu thêm thuế
Nongnghiep.vn đưa tin, khối doanh nghiệp phân bón kiến nghị để họ “được vào” diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với mức đóng thuế 5% trong khi họ đang thuộc diện miễn thuế VAT từ nhiều năm nay khiến nhiều người chưa hiểu rõ chính sách này tỏ ra vô cùng ngạc nhiên.
Luật sửa đổi một số điều của Luật Thuế, gọi là Luật số 71, năm 2014 quy định phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) đã và đang gây nhiều bức xúc đối với người nông dân và cả doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp lo ngại chính sách thuế như hiện tại sẽ khiến ngành phân bón kinh doanh giật lùi. Bởi doanh nghiệp không muốn đầu tư, càng đầu tư hiện đại, giá thành càng cao, khả năng thu hồi vốn thấp trong khi chi phí đầu tư tính vào giá thành sản phẩm, doanh nghiệp gặp khó trong áp lực cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Chính sách thuế VAT hiện nay không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới trong sản xuất, dễ dẫn tới bị lạc hậu trong thời cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.
Bên cạnh đó, việc loại bỏ thuế VAT cũng làm giảm đóng góp thuế của doanh nghiệp phân bón cho Ngân sách Nhà nước. Trong khi chi phí doanh nghiệp tăng lên nhưng nguồn thu Nhà nước lại giảm đi là một sự lãng phí.
Để hỗ trợ nông dân, khuyến khích ngành nông nghiệp phát triển bền vững Hiệp hội phân bón đề nghị Quốc hội, Chính phủ thay đổi chính sách VAT với phân bón là áp mức 5% thay vì phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế như hiện nay.
Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, việc đánh thuế VAT 5% đối với phân bón là để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghệ. Việc thay đổi này sẽ giúp cho nhiều bên có lợi: Doanh nghiệp có động lực thúc đẩy sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón hữu cơ, giảm giá thành sản phẩm; nông dân được sử dụng sản phẩm chất lượng tốt, giá thành phải chăng, ngân sách Nhà nước có thêm khoản thu thuế từ khối doanh nghiệp phân bón.
Nghịch lý xin được đóng thuế VAT của doanh nghiệp phân bón, thực chất là nhu cầu thiết thực để doanh nghiệp ngành này có thêm động lực tăng trưởng trong dài hạn, đầu tư công nghệ để phát triển tốt hơn, đem lại lợi ích cho nông dân.
Thủ phủ dược liệu điêu đứng
Theo
nongnghiep.vn, từ đầu năm đến nay, nhiều gia đình trồng, chế biến dược liệu ở thủ phủ dược liệu của cả nước - xã Bình Minh (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở. Giờ đây, ở Bình Minh, những vườn dược liệu trống hoang, những kho dược liệu hàng tỷ đồng đắp chiếu, nợ nần chồng chất do Trung Quốc không nhập sản phẩm này từ Việt Nam.
Bình Minh là nơi cung cấp cây dược liệu, cây tinh dầu, chế biến dược liệu lớn nhất cả nước, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn để xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.
Từ đầu năm 2019 đến nay, cùng với việc ban hành các hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung, Trung Quốc đã cấm nhập sản phẩm dược liệu từ Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Người trồng dược liệu không bán được nguyên liệu, người chế biến không xuất khẩu được sản phẩm, sản xuất, chế biến dược liệu ngừng trệ. Những gia đình trồng, chế biến dược liệu rơi cảnh nợ nần.
Người dân chế biến dược liệu nơi đây vẫn đang mong ngóng từng ngày sản phẩm dược liệu truyền thống của Bình Minh được thông quan trở lại để vào thị trường Trung Quốc.
Xuất siêu hơn 7 tỉ USD nông, lâm, thủy sản
Theo
vietnambiz.vn, trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu 7,3 tỉ USD các loại nông, lâm, thủy sản. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 33,2 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kì năm 2018.
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 10 ước đạt 3,6 tỉ USD, tăng gần 17% so với tháng 9.
Lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 33,2 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kì năm 2018 với 6 nhóm/sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỉ USD.
Về nhập khẩu, tính chung 10 tháng, ước đạt 25,9 tỉ USD, giảm 0,5% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, nhập khẩu các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và các nông sản chính khoảng 21,6 tỉ USD, giảm 1,4% so với cùng kì. Như vậy, trong 10 tháng đầu năm nay ngành nông nghiệp xuất siêu 7,3 tỉ USD.
Bộ NN&PTNT dự báo thời gian tới thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm. Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nguy cơ Brexit không thỏa thuận và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc là những yếu tố rủi ro gây tác động tới nền kinh tế thế giới.
Sự gia tăng các rào cản thương mại, nhất là từ thị trường Trung Quốc, khiến xuất khẩu nông sản tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh lớn, giá xuất khẩu một số nông sản chủ lực tiếp tục xu hướng giảm.
Siết chặt nhập khẩu thiết bị vệ sinh do NK hàng Trung Quốc ồ ạt
Thông tin từ
Vneconomy.vn, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản chỉ đạo các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra đối với mặt hàng thiết bị vệ sinh, đặc biệt là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Tổng cục Hải quan đã nhận được đơn kiến nghị của một số doanh nghiệp phản ánh hiện tượng nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thiết bị vệ sinh nói chung, đặc biệt sản phẩm sứ vệ sinh nói riêng từ Trung Quốc với số lượng lớn và trị giá rất thấp. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cần thực hiện đúng quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hoá và ghi nhãn hàng hoá.
Trường hợp lô hàng thuộc diện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế, Tổng cục Hải quan yêu cầu công chức Hải quan lưu ý kiểm tra, đối chiếu thông tin về tên hàng, chất lượng, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan với bộ chứng từ thuộc hồ sơ hải quan (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), hóa đơn thương mại…).
Trường hợp phát hiện người khai hải quan khai tên hàng hóa, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không phù hợp với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, không phù hợp với thông tin về hàng hóa đã khai trên C/O; các thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa không phù hợp thì xử lý theo quy định.
Trường hợp doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gian lận trốn thuế hoặc mặt hàng nhập khẩu có nghi vấn về trị giá, nhãn hiệu, số lượng thì thiết lập tiêu chí, đưa vào diện có rủi ro cao để áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát phù hợp, đồng thời tiến hành kiểm tra sau thông quan để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Nguồn: VITIC