menu search
Đóng menu
Đóng

Ván sàn trong nước đã tìm được chỗ đứng trên thị trường thế giới

14:03 27/05/2019

Vinanet -Với nguồn tài nguyên gỗ phong phú, hàng năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam đóng góp vào tổng kim ngạch của cả nước tỷ USD.
Sàn gỗ công nghiệp đã không còn quá xa lạ đối với người tiêu dùng Việt Nam. Nếu như trước đây, sản phẩm chủ yếu được đặt trong những ngôi nhà biệt thự cao cấp thì giờ đây chúng trở nên phổ biến hơn trên thị trường.
Việt Nam là một trong những nước có nguồn tài nguyên gỗ phong phú, nên hàng năm lượng gỗ được khai thác phục vụ nhu cầu xuất khẩu rất lớn. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, sau khi tăng mạnh trong tháng 3/2019, thì nay sang tháng 4 xuất khẩu gỗ và sản phẩm giảm nhẹ trở lại 2,8% so với tháng 3/2019, tương ứng với 857,64 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 4/2019 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng nhóm hàng sản phẩm gỗ trong tháng chỉ đạt 582 triệu USD, giảm 5,6% so với tháng 3/2019, tính chung 4 tháng 2019 đạt 2,1 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ.
Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm chủ yếu sang thị trường Mỹ, chiếm 45,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 1,42 tỷ USD, tăng 34,6% so với 4 tháng đầu năm 2018. Đứng sau thị trường Mỹ là Nhật Bản, đạt 414,15 triệu USD, chiếm 13,3%, tăng 18,1%; Trung Quốc đạt 364,8 triệu USD, chiếm 11,7%, giảm 0,7%; EU chiếm 10%, đạt 313,46 triệu USD, tăng 10,4%; Hàn Quốc đạt 268,81 triệu USD, chiếm 8,6%, giảm 6,9%; Anh đạt 108,03 triệu USD, chiếm 3,5%, tăng 9,5%.
Sàn gỗ công nghiệp là một trong những mặt hàng trong nhóm sản phẩm gỗ, do sự cạnh tranh gay gắt với nhiều sản phẩm sàn gỗ công nghiệp nhập khẩu nên chúng chưa thực sự khởi sắc và vượt bậc hơn những nước khác trên thế giới.
Sản phẩm sàn gỗ vô cùng đa dạng, nhiều mẫu mã, thiết kế và giá thành khác nhau. Các nhãn hiệu sàn gỗ công nghiệp tại Việt Nam hiện nay hầu như là các sản phẩm đến từ các nước: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Đức, Thụy Sỹ,…. Ngoài ra, cũng có một số nhãn hiệu ván sàn sản xuất tại Việt Nam nhưng có thị phần rất nhỏ. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia với trên 90 triệu dân và điều kiện sống ngày càng được nâng cao thì thị trường ván sàn nội địa phát triển nhanh chóng, cùng với yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao.
Bên cạnh thị trường trong nước, EU là thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ. Trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu các sản phẩm có chất lượng cao xuất khẩu vào EU, Mỹ. Qua đó, nhiều mặt hàng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường lớn và tiềm năng này. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng Việt Nam trên thị trường EU chưa thực sự mạnh, đồng thời EU lại là thị trường khó tính với nhiều quy định về hàng hoá nhập khẩu.
Để tăng mạnh xuất khẩu vào những thị trường khó tính, các doanh ngành gỗ cần chủ động và làm chủ công nghệ sản xuất, dây chuyền thiết bị và đưa ra được định hướng. Muốn làm được điều này cần có sự chuẩn bị kỹ càng, đánh giá đúng mục tiêu, đúng phương hướng, phương tiện và có chiến lược đi từng bước một cách cẩn thận. Thực tế là thông qua các kênh thương mại và phân phối, cần phải đánh giá khả năng tận dụng cơ hội và đối phó với nguy cơ, lựa chọn chiến lược và chuẩn bị đương đầu với môi trường cạnh tranh.
Trên thị trường quốc tế, vì những ưu điểm của ván sàn công nghiệp nên việc tiêu thụ ván sàn công nghiệp đang được chú ý hơn ván sàn gỗ tự nhiên, qua đó được chia làm 3 phân khúc chính. Phân khúc trung cấp và cao cấp chủ yếu tập trung vào thị trường các nước phát triển như: Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Phân khúc phổ thông và trung cấp tập trung vào các nước đang phát triển như: Việt Nam, Malaysia, Campuchia…
Để sản phẩm ván sàn gỗ công nghiệp đứng vững trên thị trường cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn hết sức khắt khe do Mỹ và châu Âu đề ra như: Tiêu chuẩn CARB-P2/EPA về kiểm soát nồng độ formaldehyde đối với sản phẩm ván công nghiệp nhằm bảo vệ sức khỏe người sử dụng; Chứng nhận FSC về khai thác sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp (chứng nhận cho nhà cung cấp ván nguyên liệu đầu vào của Ván sàn Kim Tín); Chứng nhận Lacey Act là quy định về khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp bao gồm cả gỗ và các sản phẩm từ gỗ; Chứng nhận GreenGuard, Floorscore về bảo vệ sức khoẻ con người, cải thiện môi trường sống và làm việc bằng cách giảm thiểu nguy cơ nhiễm hoá chất và các chất độc hại phát thải từ các sản phẩm được sử dụng.
Nguồn: VITIC/Xây dựng

Nguồn:Vinanet