NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch ngày 02/06, các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều.
Giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tăng 0.9% lên mức 1562.50 cents/giạ. Trong phiên hôm qua, giá đậu tương được hỗ trợ từ đà tăng của dầu đậu tương, và bất chấp xu hướng giảm chung của các mặt hàng ngũ cốc chính là ngô và lúa mì.
Dầu đậu tương tăng rất mạnh 4.44%, lên mức 70.38 cent/pound. Những lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu thực vật trên thế giới đã hỗ trợ cho giá mặt hàng này. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô tăng lên sau khi phá vỡ được vùng đi ngang kéo dài hơn 2 tháng cũng đã kéo giá dầu đậu tương trong phiên hôm qua. Đà tăng mạnh của dầu đậu tương đã tạo áp lực và khiến khô đậu tương giảm xuống mức 394.0 USD/tấn, thấp hơn 1.18% so với phiên trước đó.
Ngô tiếp tục là mặt hàng đáng chú ý với mức giảm mạnh 2%, xuống mức 675.00 cent/giạ. Tỉ lệ ngô Mỹ được đánh giá tốt trở lên trong báo cáo Crop Progress là 76%, cao hơn so với mức kỳ vọng của thị trường là 70% đã tạo áp lực lên giá ngô. Bên cạnh đó, việc giá ngô biến động mạnh và khó lường trong thời gian gần đây đã thúc đẩy giới đầu cơ chốt lời sau phiên tăng mạnh. Lực bán áp đảo hơn đã khiến giá ngô quay đầu giảm.
Lúa mì kết phiên cũng giảm 0.82%, về mức 687.50 cent/giạ. Điều kiện thời tiết thuận lợi hơn tại Úc là cơ sở để Ngân hàng Rabobank tăng mức sản lượng dự báo lúa mì lên cao hơn mức trung bình của những năm gần đây. Bên cạnh đó, lực bán kĩ thuật ở vùng kháng cự 700 là những yếu tố lý giải cho phiên giảm giá hôm qua của lúa mì.
CÔNG NGHIỆP
Giá Robusta có phiên tăng thứ 7 liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng 2.5 năm qua, nhờ việc tồn kho đạt chuẩn trên sàn London liên tục giảm từ cuối tháng Năm đến nay. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn chưa có xu hướng cải thiện ở các quốc gia Đông Nam Á đã hỗ trợ tích cực cho giá Robusta.
Giá Arabica giằng co mạnh tại vùng hỗ trợ quan trọng 160 cents, và đóng cửa với mức tăng không đáng kể. Khô hạn tại Brazil đang được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong vòng 91 năm trở lại đây, sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất của cây cà phê niên vụ 22/23.
Trái ngược với Arabica, giá đường giảm không đáng kể bất chấp ảnh hưởng tích cực từ xu hướng tăng của giá dầu thô. Các chuyên gia quốc tế nhận định, mức kháng cự 18 cents sẽ rất quan trọng với giá đường do mức này ngang bằng với giá bán của nông dân Ấn Độ khi chưa có trợ cấp của chính phủ.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu thô tiếp tục lập đỉnh mới sau khi đã phá vỡ thành công kháng cự mạnh. Cụ thể, dầu WTI tăng 1.64% lên 68.83 USD/thùng, dầu Brent tăng 1.57% lên 71.35 USD/thùng.
Giá dầu thô tiếp tục được hỗ trợ nhờ kết quả tích cực từ cuộc họp giữa các thành viên OPEC+ hôm 1/6 cho thấy sản lượng sẽ không theo kịp nhu cầu nhờ quá trình triển khai vắc-xin COVID-19 diễn ra thuận lợi sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới và nhu cầu di chuyển. Theo dữ liệu từ Bộ Giao thông Vận tại Anh, tổng lượng sử dụng phương tiện giao thông trong tuần kết thúc 30/5 đã cao hơn so với mức trước đại dịch 1%, chủ yếu nhờ lưu lượng tăng lên trong dịp cuối tuần. Trong khi đó, cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ dự kiến sẽ hoãn lại một tuần vào ngày 10/6. Điều này làm giảm lo ngại về nguồn cung dầu Iran quay trở lại thị trường trong thời gian ngắn, nên đây cũng là thông tin “bullish” với giá dầu.
KIM LOẠI
Hai mặt hàng kim loại quý biến động trái chiều với kịch bản ngược lại của phiên trước đó. Bạc tăng 0.36% lên 28.2 USD/ounce trong khi giá Bạch kim giảm 0.58% còn 1192.7 USD/ounce. Lợi suất trái phiếu trên toàn cầu giảm đang hỗ trợ cho giá kim loại quý. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ vào thứ Tư giảm xuống 1.59%, đồng thời lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức giảm còn -0.198%. Tuy nhiên đà tăng phần nào bị hạn chế khi đồng USD mạnh lên. Chỉ số Dollar Index tăng nhẹ lên 89.91 USD.
Đối với các kim loại cơ bản, đà tăng đã chững lại trong phiên hôm qua. Đồng giảm 1.33% còn 4.5915 USD/pound do nhu cầu của nước tiêu thụ Đồng hàng đầu thế giới là Trung Quốc yếu đi. Giá đồng ở nước này cũng giảm xuống còn 30.50 USD/ tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016, cho thấy nhu cầu nhập khẩu kim loại vào Trung Quốc suy yếu do giá đồng cao cản trở tiêu dùng. Giá Quặng sắt gần như không thay đổi so với phiên hôm trước, tăng nhẹ 0.07% lên 198.29 USD/tấn. Sau nhiều phiên liên tiếp tăng nóng, giá Quặng sắt có dấu hiệu chững lại do áp lực chốt lời ở vùng cản tâm lý 200 USD/tấn.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)