menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 14/2/2022

09:37 15/02/2022

Sắc đỏ áp đảo bảng giá của nhóm nguyên liệu công nghiệp khi các mặt hàng đồng loạt điều chỉnh.
NÔNG SẢN
Lúa mì là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong nhóm nông sản nếu chiến tranh xảy ra nên giá đã tăng vọt ngay từ đầu phiên sáng sau khi chính quyền Mỹ cảnh báo về một cuộc xâm lược có thể diễn ra ngay trong tuần này. Đến cuối phiên, giá lúa mì một lần nữa bật tăng trở lại khi tổng thống Ukraine kêu gọi người dân đồng loạt treo cờ tổ quốc vào 16/02 để thể hiện sự đoàn kết, vì chính quyền Kiev cho rằng có thể đây sẽ là ngày mà Nga bắt đầu tấn công.
Giá ngô hiện tại đang chịu ảnh hưởng chính từ diễn biến của giá lúa mì, vì thế mặt hàng này cũng tăng vọt vào cuối phiên và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 07 năm ngoái đến nay.
Khô đậu tương đóng cửa giảm mạnh gần 2% sau 3 tuần tăng liên tiếp trước đó. Tâm lý chốt lời của giới đầu tư và các yếu tố hỗ trợ giá cho đậu tương đã không còn xuất hiện khiến cho lực bán áp đảo. Giao hàng đậu tương Mỹ trong tuần kết thúc ngày 10/02 chỉ đạt 1.15 triệu tấn, tiếp tục suy yếu và là mức thấp nhất từ đầu năm, khiến giá đậu tương cũng giảm gần 1%.
Trong khi đó, chịu áp lực từ đà giảm của đậu tương, nhưng việc dầu thô tăng mạnh vào cuối phiên do lo ngại chiến tranh ở biển Đen đã giúp dầu đậu tương phục hồi và giữ được sắc xanh khi đóng cửa.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica giảm hơn 1.6% về 247.55 cents/pound, còn giá Robusta cũng giảm gần 1% về 2263 USD/tấn. Đồng USD gia tăng cùng với tâm lý lo sợ của các nhà đầu tư khiến cho giá cả hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm. Chỉ số Dollar Index tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên 96.3 điểm. Trong khi đó, thước đo nỗi sợ của các nhà đầu tư, chỉ số VIX cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần.
Giá bông đóng cửa trong sắc đỏ phiên thứ tư liên tiếp với mức giảm tương đối mạnh, gần 2% về 122.93 cents/pound, và cũng là mức thấp nhất trong hai tuần. Đồng USD mạnh hơn vẫn là yếu tố kìm hãm sức mua quay lại với thị trường, bởi doanh số xuất khẩu bông của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Đối với thị trường đường, hợp đồng đường 11 kỳ hạn tháng 3 giảm khoảng 0.8% về 18.12 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn đóng cửa không đổ so với phiên trước đó, dừng chân ở mức 501.4 cents/pound.

KIM LOẠI
Giá bạc tăng mạnh hơn 2% lên 23.848 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Giá bạch kim tăng gần 1% lên 1028 USD/ounce. Dòng vốn tiếp tục rút ra khỏi thị trường chứng khoán cùng với thị trường tiền điện tử đang là yếu tố hỗ trợ đối với thị trường kim loại quý.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng giằng co mạnh trong phiên và đóng cửa gần như không thay đổi so với cuối tuần trước, vẫn dừng chân ở mức khoảng 4.51 USD/pound. Các nhà đầu tư đang rất kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường bất động sản Trung Quốc trong bối cảnh Chính phủ không ngừng tung ra các gói kích thích để hỗ trợ nền kinh tế.
Trái lại, giá quặng sắt giảm gần 1% về 148.41 USD/tấn. Đây nhiều khả năng là một phiên giảm điều chỉnh nhẹ, bởi thị trường quặng sắt còn rất nhiều dư địa tăng giá, khi mà nhu cầu cho sắt thép ở Trung Quốc tăng lại, và mức giá hiện nay cách khá xa so với đỉnh cũ.

NĂNG LƯỢNG
Giá dầu nối đà tăng mạnh trong ngày hôm qua, khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang, khiến cho nguy cơ chiến tranh trở nên rõ ràng hơn. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 2.53% lên 95.46 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2.16% lên 96.48 USD/thùng.
Trong ngày, dầu thô có lúc chịu áp lực trước kháng cự mạnh và việc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Lavrov đề nghị Tổng thống Putin sử dụng con đường ngoại giao để giải quyết các mâu thuẫn với phương Tây. Điện Kremlin sau đó đã lên tiếng phản bác các cáo buộc đang chuẩn bị cho cuộc xâm lược Ukraine. Điều này làm tạo nên hy vọng các căng thẳng tại khu vực châu Âu sẽ giảm bớt. Tuy vậy, bước vào phiên tối, giá đã đảo chiều với việc một số trang tin tức trước đó đã đưa tin ngày 16/02 có thể sẽ là ngày Nga phát động chiến tranh, và Tổng thống Ukraine gợi ý nên biến ngày này thành “ngày đoàn kết”. Thêm vào đó, phía Mỹ tiếp tục nhận định họ không thấy bất cứ dấu hiệu hạ nhiệt nào trong quá trình đàm phán với Nga, và quyết định rời Đại sứ quán Mỹ từ Kyiv, thủ đô Ukraine xuống Lviv.
Khí tự nhiên tăng 6.45% lên 4.195 USD/thùng sau khi đã “gap-up” ngay trong phiên sáng. Giá khí, cùng với dầu, được hỗ trợ với các thông tin địa chính trị từ Nga – Ukraine. Phụ thuộc vào nhập khẩu khí tự nhiên tại châu Âu ở mức cao 80% khiến cho khu vực này sẽ phải tìm kiếm nhiều nguồn thay thế trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị cắt giảm.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc