menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 26/1/2022

09:17 27/01/2022

Các mặt hàng kim loại công nghiệp tiếp tục nối dài đà tăng nhờ những kỳ vọng tiêu thụ.
NÔNG SẢN
Các mặt hàng trong nhóm đậu tương đã đồng loạt tăng hơn 2%. Hãng tin Reuters đã hạ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2021/22 của Argentina xuống còn 43.6 triệu tấn giảm 3% so với báo cáo trước đó. Các thông tin về thiệt hại đã khiến giá đậu tương tăng 2.3% lên mức 1440 cents/giạ, cao nhất kể từ tháng 06 năm ngoái đến nay.
Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng và giá dầu cọ Malaysia thiết lập mức đỉnh lịch sử, cũng giúp giá dầu đậu tương tăng mạnh 2.3% lên mức 63.93 cents/pound. Còn đối với khô đậu, bất chấp diễn biến trái chiều với dầu đậu, nguồn cung đậu tương eo hẹp và sản lượng DDGs giảm cũng giúp giá mặt hàng này tăng 2.2% lên mức 400.5 USD/tấn Mỹ.
Ngô cũng tiếp tục duy trì đà tăng lên mức 627.0 cents/giạ, cao nhất trong vòng 7 tháng. Mặc dù sản lượng ethanol giảm cùng với tồn kho ethanol tăng mạnh trong báo cáo tuần này của EIA, nhưng đà tăng chung của giá dầu thô và nhóm đậu tương đã hỗ trợ tích cực cho mặt hàng này.
Tuy nhiên đà tăng của ngô bị hạn chế bởi việc giá lúa mì đã giảm mạnh gần 3% trong ngày hôm qua, xóa đi phần lớn mức tăng tích lũy trong 2 phiên đầu tuần. Mặc dù vẫn còn những lo ngại đối với tình hình căng thẳng chính trị giữa Nga, Ukraine và các nước phương Tây, giá đã giảm mạnh khi nhu cầu của Trung Quốc dự báo sẽ suy yếu.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica tăng 0.4% lên 238.9 cents/pound, trái lại, giá Robusta đóng cửa giảm 0.9% còn 2218 USD/tấn. Trong dài hạn, nguồn cung cà phê Arabica được dự đoán sẽ cải thiện so với niên vụ trước, tuy nhiên, hiện tượng La Nina ở khu vực Nam Mỹ kéo dài đến hết tháng 3 và có thể dẫn đến hiện tượng thời tiết khô hạn hơn bình thường với các khu vực trồng trọt của Brazil và lượng mưa lớn hơn bình thường đối với các khu vực trồng trọt của Colombia, cả hai điều này sẽ có tác động tiêu cực đến sản lượng cà phê sắp tới.
Giá bông tăng 1.2% lên 122.3 cents/pound. Đà tăng của thị trường có thể đã hồi phục sau chuỗi ngày giảm điều chỉnh.
Trong một diễn biến khác, giá cả hai mặt hàng đường tiếp tục suy yếu. Hợp đồng đường 11 tháng 3 giảm 1.5% còn 18.5 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn cũng đánh mất mốc 500 USD/tấn. Đà tăng của giá dầu thô cũng không thể hỗ trợ sức mua trên thị trường đường, bởi nguồn cung đường trên thế giới đang được kỳ vọng sẽ ở trong trạng thái thặng dư, và cải thiện nhiều so với niên vụ trước.

KIM LOẠI
Giá bạc giảm 0.4% còn 23.8 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng gần 2% lên 1045.9 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 3 tháng. Các thông báo thắt chặt chính sách tiền tệ của FED gây sức ép trực tiếp lên hai mặt hàng kim loại có vai trò trú ẩn cao nhất là vàng và bạc. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 9 điểm cơ bản lên 1.87%, cho thấy dòng vốn thoát khỏi thị trường trái phiếu và cũng là một thị trường trú ẩn khác.
Giá đồng cũng đóng cửa cao hơn 1.5% ở mức 4.515 USD/pound. Những kỳ vọng vào sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp xanh như năng lượng tái tạo và sản xuất xe điện là yếu tố hỗ trợ rất tốt đối với giá. Giá quặng sắt tăng phiên thứ năm liên tiếp lên 137.7 USD/tấn, trong bối cảnh hai công ty sản xuất lớn là BHP và Rio Tinto cho biết tình trạng thiếu hụt lao động sẽ khiến cho các hoạt động khai thác gặp nhiều khó khăn.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 2.04% lên 87.35 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1.79% lên 88.74 USD/thùng.
Dầu thô có lúc giảm điểm trong phiên sáng do lực bán chốt lời do tâm lý lo ngại trước khi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED diễn ra. Tuy vậy, dầu nhanh chóng tăng trở lại do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết không loại trừ khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt cá nhân lên Tổng thống Nga Putin trong trường hợp Nga tấn công Ukraine. Để đáp trả, giới chức Nga cho biết đây là ý tưởng ngang với việc cắt đứt quan hệ giữa 2 bên, đồng thời cảnh báo Biden có thể đối mặt với các biện pháp cứng rắn hơn. Điều này khiến cho dầu bật tăng mạnh mẽ và đẩy giá Brent trong phiên vượt mức 90 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn 7 năm.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc