menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 27/7

09:15 28/07/2015

Vinanet - Giá gạo toàn cầu phục hồi nhờ nguồn cung giảm; Myanmar được chính thức xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trong khi Campuchia có thể mất thị phần tại EU.
Giá gạo toàn cầu phục hồi khi nguồn cung giảm
Ngày 24/7, chỉ số giá gạo trắng (WRI) của Oryza, cho biết giá xuất khẩu gạo trắng trung bình trên toàn cầu, vào khoảng 404 USD/tấn - giảm 3 USD/tấn so với một tuần trước đó và giảm 1 USD/tấn so với 1 tháng trước.

USDA ước tính, năm 2015 -2016 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp dự trữ gạo toàn cầu giảm, nhờ tồn kho đầu kỳ từ vụ 2014 - 2015 thấp. Trong đó, dự trữ gạo tại Thái Lan và Ấn Độ dự báo sẽ giảm mạnh do giá xuất khẩu thấp, nhu cầu suy yếu và thời tiết khô hạn kéo dài.

Sản lượng và giá xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn 1/1 - 23/7/2015

Theo số liệu của Hiệp hội thực phẩm Việt Nam, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,926 triệu tấn gạo trong giai đoạn từ ngày 1/1 - 23/7/2015, giảm 19% so với 7 tháng đầu năm 2014. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong cùng kỳ cũng giảm 4%/tấn với 7 tháng đầu năm 2014 xuống 414 USD/tấn.

Hiện tại, ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phải nhiều khó khăn khi Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam - lại tăng cường nhập khẩu gạo từ Thái Lan.

Tuy nhiên, Việt Nam đang kỳ vọng Philippines sẽ là "cứu cánh" cho ngành xuất khẩu lúa gạo năm 2015. Theo đó, để đảm bảo dự trữ gạo cho mùa đói kém (tháng 6 - tháng 9), chính phủ Philippines cho phép các thương nhân nhập khẩu 293.100 tấn gạo từ mỗi nước Thái Lan và Việt Nam; 50.000 tấn gạo từ mỗi nước Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan; 15.000 tấn gạo từ El Salvador và các nước khác.

Hiện nay, giới thương nhân Philippines mới chỉ nhập khoảng 300.000 tấn gạo từ Thái Lan và Việt Nam. Việt Nam hy vọng, Philippines sẽ nhập khẩu gạo Việt Nam ở mức tối đa cho phép.

Campuchia có thể sẽ mất thị phần xuất khẩu gạo tại EU

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Campuchia đang lo ngại về khả năng bị mất thị phần tại thị trường EU nếu EU và Việt Nam thông qua Hiệp định thương mại tự do song phương (EU-V BFTA). Theo thỏa thuận, EU sẽ nhập khoảng 76.000 tấn gạo của Việt Nam với thuế nhập 0%.

Hiện tại, Campuchia đang xuất khoảng 250.000 tấn gạo/năm sang EU, tương đương 22% trên tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của thị trường này.

Theo chủ tịch của một công ty xuất khẩu hàng đầu Campuchia, nếu được thông qua, EU-V BFTA sẽ tạo ra một thách thức rất lớn đối với ngành lúa gạo của Campuchia. Khi đó, Campuchia sẽ phải cạnh tranh với Việt Nam và chắc chắn sẽ mất một phần thị phần cho nước láng giềng. Trong ngắn hạn, EU-V BFTA sẽ khiến tăng trưởng sản lượng và xuất khẩu gạo của Campuchia giảm sút. Vốn đầu tư cần thiết để cải thiện ngành lúa gạo cũng dần eo hẹp.

Myanmar được chính thức xuất khẩu gạo sang trung Quốc

Theo truyền thông địa phương, Công ty trách nhiệm hữu hạn MAPCO của Myanmar sẽ xuất khẩu 3.000 tấn gạo sang Trung Quốc sau khi Hiệp hội lúa gạo Myanmar và Hiệp hội ngũ cốc, dầu, thực phẩm Trung Quốc ký kết biên bản ghi nhớ về việc xuất- nhập khẩu gạo.

Trong năm tài chính 2014 - 2015, Myanmar xuất khẩu khoagnr 1,8 triệu tấn gạo, trong đó 1,1 triệu tấn gạo được xuất sang Trung Quốc. Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Myanmar nhưng phần lớn gạo được xuất sang Trung Quốc phải thông qua các nước phía bắc. Mới đây, chính phủ Trung Quốc ngăn cấm hoạt động xuất khẩu gạo không chính thức và hướng tới ký kết thỏa thuận thương mại với Myanmar.
Nguyễn Dung
Theo Oryza