Trên thị trường năng lượng lúc kết thúc phiên, giá dầu thế giới tăng khoảng 2 USD do những lo ngại về nguồn cung, sau khi một đường ống chủ chốt cung cấp cho Mỹ phải đóng cửa dài hơn dự kiến để sửa chữa.
Theo đó, giá dầu thô Brent tăng 1,89 USD, tương đương 2,5%, lên 77,99 USD/thùng; trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,15 USD, tương đương 3% ,lên 73,17 USD/thùng, sau khi các nhà phân tích ước tính tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến này 9/12/2022 giảm 3,9 triệu thùng.
Giá khí gas phiên này cũng tăng do dự báo thời tiết lạnh hơn bình thường và nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới tăng cao. Theo đó, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn New York tăng 33,8 US cent tương đương 5,5% lên 6,587 USD/mmBTU – cao nhất kể từ ngày 1/12/2022.
Tuần trước, giá dầu Brent và WTI giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021, do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ.
Tuần trước, dầu Brent và WTI đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 do các nhà đầu tư lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ. Sang tuần này, thông tin về khả năng đường ống đường ống dẫn dầu thô Keystone của TC Energy Corp nối từ Canada đến Mỹ phải ngừng hoạt động kéo dài đã giúp xoay chuyển xu hướng giá cả.
Chuyên gia Jim Ritterbusch của công ty tư vấn Ritterbusch and Associates (Mỹ) cho biết hoạt động sửa chữa đường ống Keystone dường như mất nhiều thời gian hơn dự kiến, làm tăng khả năng lượng dầu dự trữ tại Cushing, Oklahoma giảm.
Các thương nhân lo lắng về việc sẽ mất nhiều thời gian để làm sạch và khởi động lại đường ống Keystone sau khi hơn 14.000 thùng dầu bị rò rỉ vào tuần trước – cũng là vụ tràn dầu thô lớn nhất của Mỹ trong gần một thập kỷ.
TC Energy đã đóng đường ống sau khi sự cố được phát hiện vào cuối ngày 7/12 tại Kansas, Mỹ. Công ty nói với các quan chức Kansas rằng họ vẫn chưa xác định được nguyên nhân cho sự cố hoặc thời gian khởi động lại của đường ống.
Đường ống Keystone có công suất 622.000 thùng/ngày, đóng góp một phần quan trọng trong việc vận chuyển dầu thô từ Canada đến các nhà máy lọc dầu của Mỹ và vùng vịnh Mexico để xuất khẩu.
Kết quả khảo sát của Reuters cho thấy 7 nhà phân tích ước tính trung bình lượng dầu thô dự trữ tổng thể tại trung tâm sẽ giảm khoảng 3,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 9/12.
Trong khi đó, bộ phận nghiên cứu thuộc ngân hàng Bank of America (Mỹ) dự báo giá dầu Brent có thể tăng vượt mức 90 USD/thùng nhờ vào chính sách tiền tệ ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế.
Các nhà phân tích của ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cũng nhận định thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới, giữa bối cảnh không chắc chắn về tác động của từ các lệnh cấm do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối dầu của Nga, các chính sách chống dịch COVID-19 của Trung Quốc cùng động thái chính sách của các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ cùng quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.780,19 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 giảm 1% xuống 1.792,3 USD/ounce.
Trong khi đó, giá bạc giảm 0,7% xuống 23,30 USD/ounce, bạch kim giảm 2,2% xuống 999,73 USD/ounce, bạch kim giảm 3,5% xuống 1.881,47 USD/ounce.
Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cao cấp của công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ), cho biết thị trường đang suy giảm trước khi Fed nhóm họp và vài ngày tới sẽ có nhiều biến động.
Fed được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp cuối cùng của năm 2022 vào hai ngày 13-14/12. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng dự kiến sẽ công bố các quyết định về lãi suất trong tuần này.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Số liệu công bố vào thứ Sáu tuần trước cho thấy giá sản xuất của Mỹ tăng nhẹ hơn dự kiến trong tháng 11, củng cố quan điểm rằng Fed có thể phải duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Giờ đây, trọng tâm thị trường đang chuyển sang báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ cho tháng 11, dự kiến công bố vào 13/12 (giờ địa phương).
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do lo ngại về việc nền kinh tế tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – Trung Quốc – gặp khó khăn khi các trường hợp nhiễm Covid-19 mới tăng và sự không chắc chắn về việc tăng lãi suất của Mỹ.
Trên sàn London, giá đồng giao sau 3 tháng giảm 1,9% xuống 8.381,5 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất gần 6 tháng trong phiên trước đó. Giá đồng kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 1,2% xuống 66.030 CNY (9.469,65 USD)/tấn.
Trong khi đó, giá nhôm giảm 2,8% xuống 2.411 USD/tấn, chì giảm 1,1% xuống 2.176,50 USD, thiếc giảm 1,8% xuống 23.850 USD, niken giảm 0,2% xuống 29.375 USD, riêng kẽm tăng 0,9% lên 3.268 USD.
Nhiều nhà sản xuất kim loại ở Trung Quốc đã quyết định duy trì các biện pháp hạn chế chống COVID trong các nhà máy của họ để giảm thiểu lây nhiễm, và điều đó tiếp tục tác động đến sản xuất.
CITIC Futures cho biết trong một báo cáo rằng các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể sẽ áp dụng các chính sách thắt chặt tiền tệ, điều này sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu đồng, trong khi nguồn cung đang gia tăng trên thị trường. Công ty này dự báo giá đồng sẽ giảm trong năm tới xuống mức trung bình là 7.700 USD/tấn, giữ trong phạm vi từ 6.900 đến 8.500 USD/tấn.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm khỏi mức cao nhất 6 tháng, song giá thép tại Thượng Hải tăng do kỳ vọng nhu cầu sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách ngăn chặn Covid-19.
Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Đại Liên giảm 0,8% xuống 802,5 CNY (115,08 USD)/tấn. Trong phiên trước đó, giá quặng sắt tăng lên 823 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 15/6/2022, khi nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc – nới lỏng các hạn chế Covid-19. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Singapore giảm 2,4% xuống 108,85 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,7%, thép cuộn cán nóng tăng 0,8%, thép cuộn tăng 1% và thép không gỉ tăng 0,7%.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì và ngô tại sàn Chicago tăng do cảng xuất khẩu quan trọng của Ukraine tạm thời đóng cửa, dấy lên mối lo ngại về sự gián đoạn hoạt động vận chuyển ngũ cốc.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì Mỹ kỳ hạn tháng 3/2023 tăng 20-1/2 US cent lên 7,54-3/4 USD/bushel; giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 10 US cent lên 6,54 USD/bushel; đậu tương kỳ hạn tháng 1/2023 giảm 23-1/4 US cent xuống 14,6-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE giảm 0,22 US cent tương đương 1,1% xuống 19,38 US cent/lb; giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn London giảm 7,4 USD tương đương 1,4% xuống 534 USD/tấn.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE tăng hơn 5% từ mức thấp nhất 3 tuần trong đầu phiên giao dịch, do hoạt động thúc đẩy mua vào.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE tăng 8,9 US cent tương đương 5,6% lên 1,6705 USD/lb, hồi phục từ mức thấp nhất 3 tuần (1,5455 USD/lb) trong đầu phiên giao dịch; cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn London tăng 20 USD tương đương 1,1% lên 1.884 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản đảo chiều giảm sau 5 phiên tăng liên tiếp trước đó do giá cao su tại thị trường Thượng Hải giảm và thị trường chứng khoán Nhật Bản suy yếu bởi lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu gây áp lực thị trường.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Osaka giảm 0,3 JPY, tương đương 0,1%, xuống 229,7 JPY (1,68 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 210 CNY xuống 12.970 CNY (1.860 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Singapore giảm 1,2% xuống 137,5 US cent/kg.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)