Trên thị trường năng lượng, giá dầu trải qua phiên giao dịch đầy biến động, kết thúc tăng trong bối cảnh nguồn cung dầu trên toàn cầu thắt chặt nhưng gia tăng lo ngại rằng nhu cầu sẽ chịu áp lực bởi dịch Covid-19 ở Trung Quốc diễn biến phức tạp và các ngân hàng trung ương lớn tích cực tăng lãi suất.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 26 US cent lên 122,27 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 26 US cent lên 120,93 USD/thùng. Lúc đầu phiên giao dịch, giá dầu giảm khoảng 3 USD/thùng.
Nguồn cung dầu đang bị thắt chặt. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi là OPEC+) không thể cung cấp đầy đủ sản lượng đã cam kết do nhiều lí do, nhất là nhiều nhà sản xuất không có khả năng mở rộng công suất khai thác, các lệnh trừng phạt đối với Nga và tình hình bất ổn ở Libya.
Giá dầu tăng mạnh trong năm 2022, khi cuộc xung đột Nga – Ukraine từ tháng 2/2022 làm gia tăng lo ngại nguồn cung và nhu cầu hồi phục sau đại dịch Covid-19. Trong tháng 3/2022, giá dầu Brent đạt 139 USD/thùng – cao nhất kể từ năm 2008. Tuần trước, cả hai loại dầu đều tăng hơn 1%.
Trong bối cảnh như vậy, số liệu mới nhất từ Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) cho thấy giá xăng trung bình của Mỹ lần đầu tiên vượt 5 USD/gallon hôm 11/6.
Một yếu tố khác cũng tác động lớn tới thị trường là tình hình dịch COVID-19 diễn biến khó lường tại Trung Quốc. Mới đây, quận Triều Dương (Chaoyang) đông dân nhất của thành phố Bắc Kinh đã thông báo sẽ triển khai ba đợt xét nghiệm hàng loạt để dập tắt đợt bùng phát dịch "dữ dội" tại đây.
Nhà phân tích tại công ty tư vấn đầu tư Price Futures, Phil Flynn, cho biết thị trường hiện không biết điều gì sẽ xảy ra với Trung Quốc. Tâm trạng lúc này của giới đầu tư đang rất tồi tệ vì nhu cầu năng lượng của Trung Quốc lại gặp rủi ro suy giảm, qua đó hạn chế phần nào đà tăng của giá dầu.
Lo ngại về việc lãi suất tăng, sau khi dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ công bố hôm 10/6 cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng tại nước này đã tăng tới 8,6% trong tháng 5/2022, khiến các nhà đầu tư lo lắng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể thắt chặt chính sách quá mạnh để kiểm soát lạm phát và gây ra một đợt suy thoái kinh tế, qua đó gây áp lực kiềm chế đà tăng giá của “vàng đen”. Trong khi đó, tại châu Âu, ông Francesco Giavazzi, cố vấn kinh tế thân cận nhất của Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết rằng việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất không phải là cách thích hợp để hạn chế đà tăng giá cả.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng và palladium giảm mạnh giữa bối cảnh đồng USD tiếp tục đi lên do đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh hơn nữa việc tăng lãi suất, làm giảm sức hấp dẫn đối với vàng và các kim loại quý khác.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 2,2% xuống 1.829,08 USD/ounce; vàng giao sau giảm 2,3% xuống 1.831,8 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD- thước đo diễn biến đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác- đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và giới đầu tư đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất mạnh hơn khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác. Lãi suất tăng cũng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý bởi có xu hướng nâng lợi suất trái phiếu chính phủ tăng cao, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Phillip Streible, chiến lược gia thị trường thuộc Blue Line cho biết: " "Không có giao dịch an toàn ở bất cứ đâu, vì vậy vàng sẽ được thanh lý ... Có một sự điều chỉnh lớn đang diễn ra và khi biến động lên đến mức cao như vậy, bạn không thể tìm thấy sự an toàn hoặc thoải mái ở bất cứ đâu".
Dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng cao kỷ lục trong hơn 40 năm được công bố vào cuối tuần trước đã khiến các nhà giao dịch tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất tổng cộng 1,75 điểm phần trăm từ nay cho tới tháng Chín, trong đó có đợt tăng 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần này.
Giá vàng chạm mức thấp nhất một tháng ở mức 1.824,63 USD/ounce sau dữ liệu lạm phát, nhưng đã phục hồi mạnh mẽ khi những lo ngại về kinh tế toàn cầu. Sự biến động đó đã kéo dài sang đầu tuần này. J.P. Morgan cho biết, việc nhà đầu tư tháo chạy khỏi vàng càng làm nổi bật cuộc chiến giằng co hiện tại giữa các động lực định giá của nó.
Về những kim loại quý khác, giá palladium giảm 6,8% xuống 1.803,23 USD/ounce, bạc giảm 2,6% xuống 21,30 USD/ounce, bạch kim giảm 4,1% xuống 933,83 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng do lo ngại Trung Quốc -nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – sẽ gia tăng thêm nữa những hạn chế chống Covid-19, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao đã thúc đẩy hoạt động bán tháo, mặc dù lượng tồn trữ giảm đã hạn chế giá giảm.
Trên sàn London (LME), giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng kết thúc phiên giảm 1,6% xuống 2.638 USD/tấn, đầu phiên có lúc chạm 2.595 USD/tấn – thấp nhất kể từ ngày 15/12/2021.
Tồn trữ nhôm tại London chạm mức thấp nhất 21 năm (423.975 tấn), so với con số gần 2 triệu tấn trong tháng 3/2021, trong khi đó tồn trữ tại Thượng Hải giảm hơn 20% kể từ giữa tháng 3/2022 xuống 269.583 tấn.
Về các kim loại cơ bản khác, giá đồng phiên này giảm 1,3% xuống 9.328 USD, kẽm giảm 2% xuống 3.620 USD, chì giảm 2,2% xuống 2.101 USD, thiếc giảm 7,1% xuống 32.765 USD và nickel giảm 5,2% xuống 25.850 USD/tấn.
Giá sắt thép phiên này cũng giảm do đợt bùng phát Covid-19 mới ở Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại nhu cầu tại nước sản xuất thép hàng đầu thế giới giảm.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên phiên này giảm 1,9% xuống 903,50 CNY (134,17 USD)/tấn, sau khi có lúc xuống mức thấp nhất 2 tuần, là 886 CNY. Tương tự,
quặng sắt kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn Singapore giảm 2,9% xuống 135,7 USD/tấn. Giá thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 2%, thép cuộn cán nóng giảm 1,9% và thép không gỉ giảm 3,6%.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương Mỹ giảm do hoạt động bán tháo và chịu áp lực từ việc thua lỗ ở các thị trường khác làm lu mờ lo ngại thời tiết xấu ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Theo đó, giá đậu tương trên sàn Chicago giảm 38 US cent xuống 17,07-1/2 USD/bushel, trong khi giá ngô giảm 4 US cent xuống 7,69-1/4 USD/bushel.
Trái lại, giá lúa mì phiên này tăng, thêm 1/4 US cent lên 10,71 USD/bushel.
Giá đường thô giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng, do lo ngại thị trường tài chính chịu ảnh hưởng bởi lạm phát tăng. Theo đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE giảm 0,16 US cent tương đương 0,8% xuống 18,71 US cent/lb, trong phiên có lúc chạm 18,61 US cent/lb – thấp nhất kể từ ngày 12/5/2022; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London tăng 1,3 USD tương đương 0,2% lên 565,6 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn ICE giảm 5,35 US cent tương đương 2,3% xuống 2,2345 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn London giảm 40 USD tương đương 1,9% xuống 2.055 USD/tấn. Đồng real Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tuần so với USD, giúp cho các nhà xuất khẩu của nước này hạ giá bán tính theo USD mà vẫn đảm bảo lợi nhuận.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm do lo ngại Fed tăng lãi suất mạnh sau khi lạm phát tăng, trong khi các biện pháp kiềm chế Covid-19 mới của Trung Quốc làm giảm kỳ vọng nhu cầu cao su tự nhiên tại nước này.
Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Osaka giảm 5,7 JPY tương đương 2,2% xuống 258,3 JPY (1,92 USD)/kg, phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 22/4/2022; cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 420 CNY xuống 12.980 CNY (1.928,16 USD)/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 19/5/2022 (12.915 CNY/tấn) lúc đầu phiên giao dịch; cao su giao tháng 7 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore giarm 2,6% xuống 163,0 US cent/kg.
Doanh số bán ô tô của Trung Quốc đã giảm 12,6% trong tháng 5 so với một năm trước đó, dữ liệu cho thấy vào thứ Sáu, nhưng đã được cải thiện từ mức giảm của tháng 4 khi các nhà chức trách triển khai các biện pháp kích thích để hỗ trợ thị trường sau giai đoạn phong tỏa chống Covid-19.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)