menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG phiên 9/6: Giá biến động

12:43 10/06/2022

Phiên giao dịch vừa qua, thị trường hàng hóa bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc phong tỏa mới một số khu vực ở Thượng Hải và Bắc Kinh thông báo số ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Quận đông dân nhất ở thủ đô Trung Quốc đóng cửa các địa điểm giải trí.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm nhưng vẫn gần sát mức cao nhất trong vòng 3 tháng do các sản phẩm dầu tinh chế tăng giá mạnh bởi nguồn cung dầu lọc bị thắt chặt và nhu cầu tăng cao.
Giá dầu tăng vào đầu phiên giao dịch, nhưng quay đầu giảm vào cuối phiên. Kết thúc phiên, giá dầu Brent giao tháng 8 giảm 51 cent, tương đương 0,4%, xuống 123,07 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7 giảm 60 cent, tương đương 0,5%, xuống 121,51 USD/thùng.
Giá dầu giảm trong phiên này do Trung Quốc phong tỏa mới một số khu vực ở Thượng Hải và có thể ở cả Thủ đô Bắc Kinh để chống Covivd-19.
Xu hướng giá dầu tăng gần đây vẫn giữ nguyên vẹn, với giá dầu đang tăng đều đặn trong hai tháng qua. Trên toàn thế giới, nhiều nhà máy lọc dầu đã đóng cửa các cơ sở sản xuất và công suất cũng bị hạn chế do nguồn cung bị thắt chặt ở Nga, nước xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu hàng đầu thế giới
Nhu cầu xăng vào mùa hè cao điểm tại Mỹ tiếp tục thúc đẩy giá dầu thô. Mỹ và các quốc gia khác đã tham gia vào một loạt các đợt giải phong kho dự trữ dầu chiến lược, nhưng tác dụng của động thái này vẫn còn hạn chế do sản lượng dầu thô toàn cầu tăng rất chậm.
Dữ liệu của Chính phủ Mỹ hôm 8/6 cho thấy, dự trữ xăng của nước này bất ngờ giảm vào tuần trước, cho thấy nhu cầu về nhiên liệu đang phục hồi trong thời gian cao điểm đi lại, bất chấp giá xăng cao ngất ngưởng. Nhu cầu xăng trong 4 tuần qua của Mỹ đạt trung bình khoảng 9 triệu thùng/ngày, chỉ giảm 1% so với mức cùng kỳ năm 2021.
Thomas Saal, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty dịch vụ tài chính StoneX Financial (Mỹ) cho biết: “Mặc dù giá cao hơn, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy nhu cầu giảm đáng kể”.
Các nhà tinh chế dầu đã không thể bắt kịp với nhu cầu. Mặc dù Mỹ đang đạt công suất lọc dầu gần cao nhất từ trước tới nay, nhưng các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc lại ngừng hoạt động do các hạn chế liên quan đến COVID-19.
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2022 của Trung Quốc đã tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, khi việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19 cho phép một số nhà máy hoạt động trở lại. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/2022 và cao gấp đôi so với dự báo của các nhà phân tích.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm khi lợi suất trái phiếu tăng và đồng USD mạnh lên đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng, trước khi có số liệu lạm phát vốn có thể củng cố khả năng Fed thắt chặt chính sách mạnh mẽ. Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,3% xuống 1.848,49 USD/ounce; vàng giao sau giảm 0,2% xuống 1.852,80 USD.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu vào ngày 1/7 và sau đó trong cùng tháng Bảy sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất một lần nữa vào tháng Chín, và có thể với mức tăng mạnh hơn nếu triển vọng lạm phát không cải thiện. Sau thông tin này, lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng, trong khi đồng USD mạnh lên, khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Số liệu giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ được công bố trong ngày 10/6 có thể cung cấp thêm manh mối về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay không. Theo kết quả khảo sát của Reuters, chỉ số CPI được dự đoán tăng 5,9% trong tháng Năm so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 6,2% trong tháng Tư.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,2% xuống 21,76 USD/ounce, bạch kim giảm 3,2% xuống 973,59 USD/ounce, trong khi palladium giảm 1% xuống 1.924,02 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do việc Trung Quốc phong tỏa chống Covid làm dấy lên lo ngại mới về nhu cầu ở quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới này.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên giảm 1,3% xuống 9.600 USD/tấn, sau khi tăng 0,3% trong phiên liền trước; đồng trên sàn Comex của Mỹ cũng giảm 1,9% xuống 4,372 USD/lb; đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn Thượng Hải tăng 0,2% lên 72.810 nhân dân tệ (10.896,44 USD)/tấn.
Giá đồng trên sàn LME đã tăng khoảng 8% sau khi chạm mức thấp nhất trong 7 tháng vào ngày 12/5.
Xiao Fu, người phụ trách mảng chiến lược thị trường hàng hóa của Bank cho biết: "Đợt phong tỏa mới nhất trong các giới hạn hẹp chứ không rộng như trước đây, nhưng khi mọi người nhìn thấy các thông tin liên quan đến phong tỏa thì phản ứng ban đầu sẽ là bán các hợp đồng mà họ đã có lãi nhờ giá tăng gần đây”.
Ông Xiao kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế vừa phải ở Trung Quốc trong quý ba và chỉ ra dữ liệu thương mại tích cực nước này vừa công bố, và cho biết hoạt động cảng ở Trung Quốc cũng đã tăng lên đáng kể. Nhập khẩu đồng của Trung Quốc trong tháng 5 tăng 4,4% so với cùng tháng năm trước.
Cũng trên sàn LME, giá nhôm giảm 2,2% xuống 2.758,50 USD/tấn, kẽm giảm 1,5% xuống 3.765 USD, nickel giảm 2,8% xuống 28.035 USD, chì giảm 2% xuống 2.188 USD và thiếc giảm 0,7% xuống 36.835 USD.
Giá quặng sắt châu Á phiên vừa qua giảm do các thương nhân tiếp tục lo rằng lợi nhuận của các nhà máy thép Trung Quốc thấp và Thượng Hải phong tỏa mới một số địa điểm.
Kết thúc phiên này, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) giảm 0,3% xuống 924,50 nhân dân tệ (138,33 USD)/tấn, là phiên giảm thứ 3 liên tiếp.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 7 giảm 0,8% xuống 143,65 USD/tấn. Giá quặng hàm lượng 62% sắt nhập khẩu vào Trung Quốc trong phiên 8/6 tăng lên 147,50 USD/tấn, cao nhất trong gần bảy tuần, dựa trên dữ liệu tư vấn của SteelHome.
Mặc dù giảm trong phiên này, song giá quặng sắt Đại Liên đã tăng trở lại thêm 19% từ mức thấp 779,50 nhân dân tệ/tấn chạm tới hôm 10/5.
Các nhà phân tích của Sinosteel Futures cho biết: “Nhu cầu quặng sắt ngắn hạn đã tăng hơn dự kiến, nhưng lợi nhuận của các nhà máy thép ở hạ nguồn lại yếu”. Tuy nhiên, đà tăng giá của quặng bị hạn chế, bởi Trung Quốc - nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới - quyết tâm giảm hơn nữa sản lượng trong năm nay để hạn chế khi phát thải.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 5/2022 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 92,52 triệu tấn.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương tăng vọt lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ do xuất khẩu đậu tương Mỹ đạt mức cao.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 trên sàn Chicago tăng 29 cent lên 17,69 USD/bushel vào lúc đóng cửa. Trong phiên, có lúc giá đạt đỉnh 17,84 USD, cao nhất đối với hợp đồng hoạt động tích cực nhất kể từ ngày 4 tháng 9 năm 2012 và chỉ kém 5 US cent so với mức cao nhất mọi thời đại là 17,89 USD. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết doanh số xuất khẩu đậu tương vụ cũ tuần qua đạt tổng cộng 429.900 tấn, tăng 41% so với mức trung bình của bốn tuần trước đó.
Giá ngô phiên này cũng tăng do nguồn cung thắt chặt với ngô giao tháng 7 phiên này tăng 8-1/2 cent lên 7,73 USD/bushel, ngày tăng thứ tư liên tiếp.
Gá lúa mì phiên này giảm do thời tiết cải thiện ở các khu vực trồng trọt của Mỹ và châu Âu trong giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch mùa hè. Lúa mì đỏ mềm vụ đông, kỳ hạn giao tháng 7, giảm 3-1/2 cent xuống 10,71-1/4/bushel.
Giá đường thô hồi phục mạnh mẽ, từ mức thấp nhất 4 tuần ở phiên liền trước, trong bối cảnh thị trường theo dõi tình hình sản lượng ở Ấn Độ và Quốc hội Brazil tảo luận về khả năng giảm thuế nhiên liệu. Hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 7 tăng 0,31 US cent, tương đương 1,6%, lên 19,29 cent/lb vào lúc đóng cửa phiên giao dịch. Phiên liền trước, giá giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tuần là 18,82 cent. Giá đường trắng giao tháng 8 phiên này cũng tăng 15,20 USD, tương đương 2,7% lên 578,70 USD/tấn.
Thị trường đang theo dõi tình hình ở Brazil, nước đang dự thảo kế hoạch cắt giảm thuế đối với nhiên liệu, đặc biệt là xăng, có thể làm giảm giá ethanol – yếu tố sẽ thúc đẩy các nhà máy mía đường sản xuất nhiều đường hơn và giảm sản xuất nhiên liệu sinh học từ mía. Các nhà giao dịch cũng đang thảo luận về nhu cầu đường thô mới từ Trung Quốc và Iran.
Đối với mặt hàng cà phê, giá arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 2,8 cent, tương đương 1,2%, lên 2,3465 USD/lb. Các đại lý đang quan sát kho dự trữ arabica của sàn ICE, hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng, là 1,02 triệu bao; robusta giao tháng 7 phiên này giảm 12 USD, tương đương 0,6%, ở mức 2.093 USD/tấn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự kiến sản lượng của Brazil sẽ tăng 11% trong niên vụ 2022/23 (từ tháng 7 đến tháng 6), kéo theo xuất khẩu tăng. Giá cà phê tại nước sản xuất robusta hàng đầu Việt Nam giảm trong tuần này do nhu cầu từ các nhà xuất khẩu yếu.
Giá bông Mỹ phiên vừa qua tăng hơn 1% do xuất khẩu sang Trung Quốc mạnh. Với bông kỳ hạn tháng 12 tăng 1,63 cent, tương đương 1,33%, lên 124,17 cent/lb.
Giá cao su kỳ trên thị trường Nhật Bản tăng do đồng yên giảm so với USD, với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 trên sàn Osaka kết thúc phiên tăng 6,8 yên, tương đương 2,6%, lên 264,9 yên (1,98 USD)/kg, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 18 tháng 4, là 267,3 yên. Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng tăng 165 nhân dân tệ lên 13.395 nhân dân tệ (2.005,03 USD)/tấn, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 19/4, là 13.580 nhân dân tệ. Hợp đồng cao su giao tháng 7 trên sàn Singapore tăng 0,9% lên 168,1 US cent/kg.
Đồng USD giao dịch ở mức 133,52 yên trong phiên này, so với 133,19 yên ở phiên liền trước. Yên giảm giá khiến cho các tài sản tính theo đồng tiền này trở nên rẻ hơn khi mua bằng các loại tiền tệ khác.
Dữ liệu sơ bộ về doanh số bán ô tô ở Trung Quốc làm tăng hy vọng phục hồi nhu cầu ở nước tiêu thụ cao su tự nhiên hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, các đợt phong tỏa mới ở Thượng Hải đã giới hạn mức tăng trong ngày.
Doanh số bán xe bán lẻ ở Trung Quốc đã tăng 30% trong tháng 5 so với tháng 4, dữ liệu sơ bộ do một cơ quan trong ngành công bố cho thấy.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa