menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới tuần qua: Giao dịch khởi sắc, giá đi lên

08:40 31/05/2021

Giá các mặt hàng chủ chốt như dầu, vàng, đồng, cao su… đồng loạt tăng trong tuần qua (21-29/5). Thị trường sôi động trở lại, nhất là từ giữa tuần.
 
Năng lượng: Giá dầu tăng khoảng 5%
Thị trường dầu mỏ đang khởi sắc khi giá liên tiếp tăng gần đây. Phiên cuối tuần (28/5), giá dầu Brent vượt lên trên 70 USD/thùng và đạt mức cao kỷ lục trong vòng 2 năm do các số liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ và kỳ vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu phục hồi đã lấn át lo ngại về khả năng nguồn cung từ Iran tăng mạnh nếu nước này được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Kết thúc phiên này, dầu Brent Biển Bắc tăng 17 US cent (tương đương 0,2%) lên 69,63 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 5/2019; giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cùng phiên giảm 53 US cent (0,79%) xuống 66,32 USD/ounce. Các nhà đầu tư tại chính đang có tâm lý hưng phấn với những tài sản có độ rủi ro cao.
Tính chung cả tuần, sau 5 phiên tăng liên tiếp, giá dầu Brent và dầu WTI lần lượt tăng 4,8% và 4,3%; còn trong tháng 5/2021, giá dầu WTI tăng 4,3% trong khi dầu Brent tiến 3,5%.
Nhà phân tích Eugen Weinberg của ngân hàng Commerzbank cho biết những mối quan tâm về nhu cầu năng lượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch đang nhường chỗ cho sự lạc quan khi người tiêu dùng đang nhanh chóng quay trở lại các hoạt động chi tiêu.
Số liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu dự trữ của nước này tại mỏ Cushing, Oklahoma, trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hiệu suất sử dụng lên các mức như thời kỳ trước đại dịch.
Giới phân tích kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi gần 100 triệu thùng/ngày trong quý III/2021 khi mùa du lịch mùa Hè ở châu Âu và Mỹ diễn ra sau các chương trình tiêm chủng COVID-19.
Các nhà phân tích nhận định Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn (được gọi là nhóm OPEC+) có thể đang kiểm soát được cung cầu trên thị trường nhờ thỏa thuận hạn chế sản lượng và những nỗ lực cắt giảm tự nguyện. OPEC+ có thể tăng sản lượng trên 2,1 triệu thùng/ngày từ tháng Năm đến tháng Bảy, khi nhu cầu phục hồi.
Ông Bob Yawger, Giám đốc hợp đồng năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho chi nhánh New York, cho biết Iran sẽ làm chậm lại đợt tăng giá này của dầu. Ông viện dẫn rằng giới đầu tư đang thận trọng về khả năng một thỏa thuận tiềm năng giữa Iran và các cường quốc phương Tây có thể đẩy nguồn cung trên thị trường tăng mạnh.
Cân bằng giữa kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu với khả năng nguồn cung từ Iran gia tăng, OPEC+ có khả năng sẽ giữ nguyên kế hoạch hiện tại là nới lỏng dần hạn chế nguồn cung dầu tại cuộc họp vào thứ Ba tuần tới (1/6).
Kim loại quý: Giá vàng đạt 1.900 USD và tăng 4 tuần liên tiếp
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/5, giá vàng tăng mạnh vượt mốc 1.900 USD/ounce, sau khi Chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ tăng vọt, tính chung cả tuần tăng tuần thứ tư liên tiếp.
Giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng mạnh vào tháng 4/2021, với thước đo lạm phát cơ bản vượt qua mục tiêu 2% của Fed. David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định rằng số liệu về tiêu dùng cá nhân tăng nhẹ tiếp tục hỗ trợ môi trường lạm phát tiềm ẩn, vốn rất thuận lợi cho vàng. Bên cạnh đó, việc Fed từ chối giảm tốc độ chương trình mua trái phiếu hoặc nâng lãi suất cũng hỗ trợ vàng, mặc dù có những kháng cự tâm lý ở mức 1.900 USD/ounce và đồng USD mạnh hoạt động như một rào cản đối với vàng.
Nhà Trắng đã công bố một đề xuất ngân sách trị giá 6.000 tỷ USD để tăng cường chi tiêu cơ sở hạ tầng, giáo dục và chống biến đổi khí hậu. Nếu nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng và lạm phát tiếp tục nóng lên, nhu cầu vàng sẽ dồi dào hơn.
Đối với những kim loại quý khác, giá bạc phiên cuối tuần ổn định ở mức 27,86 USD/ounce; bạch kim giảm 0,2%, xuống 1.176,99 USD/ounce; trong khi đó, giá palladium tăng 0,8%, lên 2.827,04 USD/ounce.
Kim loại công nghiệp: Giá tăng mạnh phiên cuối tuần nhưng tính chung cả tuần giá thép giảm
Giá sắt thép tăng liên tiếp hai phiên cuối tuần. Phiên 28/5, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên ở mức 1.063 CNY (166,79 USD)/tấn, tăng 4,1% so với đóng cửa phiên trước, trong phiên có thời điểm đạt 1.074,5 CNY (168,51 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 6 trên sàn Singapore phiên này cũng kết thúc ở mức tăng 1,1% lên 185 USD/tấn, sau khi có thời điểm đạt 186 USD/tấn.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, giá quặng sắt vẫn giảm hơn 5% do những mất mát quá lớn ở những phiên đầu tuần. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp giá nguyên liệu thép này sụt giảm bởi lo ngại việc Trung Quốc kiểm soát giá hàng hóa.
Giá thép cũng tăng trong phiên cuối tuần, theo đó thép thanh vằn kỳ hạn giao tháng 10 trên sàn Thượng Hải tăng 4,1%, thép cuộn cán nóng tăng 4,9%, trong khi thép không gỉ tăng 3,5%. Mặc dù vậy, tính chung cả tuần giá cũng giảm.
Trong nhóm kim loại cơ bản, giá đồng hồi phục trong phiên cuối tuần khi các nhà đầu tư đặt cược rằng những kế hoạch chi tiêu của Mỹ cho cơ sở hạ tầng sẽ gây thiếu hụt nguyên liệu. Hy vọng này át đi nỗi lo về việc nhu cầu của Trung Quốc đang yếu dần.
Kết thúc phiên này, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,6% lên 10.283,50 USD/tấn, xóa đi toàn bộ mức giảm lúc đầu phiên. Tính từ đầu năm đến nay, giá đồng đã tăng 31%, ngày 10/5 vừa qua đã đạt mức cao kỷ lục 10.747,50 USD/tấn.
Giá thiếc cùng phiên tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2011, lên tới 30.960 USD/tấn, sau khi xảy ra động đất do một vụ núi lửa phun trào ở Congo làm gián đoạn xuất khẩu thiếc cô đặc. Kết thúc phiên cuối tuần, giá thiếc ở mức 30.900 USD, tăng 3,3% so với phiên trước.
Về các kim loại cơ bản khác, giá nhôm tăng 0,7% lên 2.499 USD/tấn, kẽm tăng 0,3% lên 3.068,50 USD, chì CMPB3 giảm 0,1% xuống 2.200 USD và nickel tăng 1,3% lên 18.125 USD/tấn.
Nông sản: Giá ngô và lúa mì giảm trong tuần; đậu tương và cao su tăng
Giá ngô giảm trong phiên cuối tuần sau khi hồi phục mạnh ở phiên liền trước - do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc. Những người tham gia thị trường đã điều chỉnh vị trí các hợp đồng trước kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài hơn bình thường (thị trường Mỹ sẽ đóng cửa giao dịch vào thứ Hai tới).
Kết thúc phiên giao dịch trên sàn Chicago, giá ngô Mỹ đã giảm 7-3/4 US cent xuống 6,56-3/4 USD/bushel, tính chung cả tuần giảm 2-3/4 cent.
Giá lúa mì và đậu tương phiên này cũng giảm giá, riêng lúa mì vụ Xuân trên sàn Minneapolis tăng do phần lớn khu vực Trung Tây nước Mỹ hứng chịu đợt giá lạnh. Theo đó, lúa mì giảm 12-3/4 cent xuống còn 6,63-1/2 USD/bushel, tính chung cả tuần giảm 10-3/4 cent và là tuần giảm thứ ba liên tiếp; giá đậu tương giảm 6-1/2 cent xuống còn 15,30-1/2 USD/bushel, song tính chung cả tuần tăng 4-1/4 US cent.
Chính phủ Brazil mới đây đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về nguồn nước từ tháng 6-9/2021 đối với các bang Minas Gerais, Mato Grosso do Sul, Sao Paulo và Parana, tất cả bang này đều thuộc Lưu vực sông Parana, trung tâm sản xuất nông nghiệp của Brazil.
Đây là cảnh báo khẩn cấp về nước đầu tiên trong 111 năm hoạt động của các cơ quan khí tượng ở Brazil, cho thấy mức độ nghiêm trọng của đợt hạn hán năm 2021.
Nga sẽ bắt đầu áp thuế xuất khẩu thả nổi từ ngày 2/6. Mức thuế ban đầu được áp đặt ở mức 28,10 USD/tấn. Thuế xuất khẩu ngô của Nga sẽ tăng từ 30,52 USD lên 52,20 USD/tấn. Do đó, AgResource dự kiến Nga sẽ xuất khẩu ít lúa mì và ngô từ nay đến tháng 9/2021 hơn so với cùng giai đoạn năm ngoái.
Dự báo thời tiết cho thấy thời tiết tại Bắc Dakota khô hơn nhưng ở khu vực phía đông Mỹ ẩm hơn. Ở phía nam của khu vực khô hạn nhất đồng bằng Bắc Mỹ và Canada trong 10 ngày tới sẽ có mưa.
Giá dầu cọ Malaysia tăng 2,53% trong phiên cuối tuần, hồi phục mạnh sau phiên giảm trước đó, do ảnh hưởng tích cực từ việc giá đậu tương trên sàn Chicago tăng ở phiên liền trước. Dầu cọ kỳ hạn giao tháng 8 trên sàn Bursa (Malaysia) tăng 4.015 ringgit (971,68 USD)/tấn vào lúc kết thúc phiên. Tính chung cả tuần, giá tăng 0,6%, sau khi giảm 11,43% trong tuần trước – mức giảm mạnh nhất trong một năm.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 tăng 0,24 US cent (1,4%) lên 17,36 US cent/lb vào lúc đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, sau khi có thời điểm tăng lên mức cao nhất 2 tuần, là 17,69 US cent.
Tuy nhiên, triển vọng dư thừa đường trên toàn cầu trrong niên vụ 2021/22 cản trở đà tăng. Giá đường trắng kỳ hạn giao tháng 8 trong phiên này cũng tăng 2,10 USD, tương đương 0,5%, lên 459,60 USD/tấn.
Giá cà phê arabica tiếp tục tăng do thời tiết khô hạn ở Brazil. Theo đó, Arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 7 US cent, tương đương 4,5%, lên mức 1,6235 USD/lb vào lúc đóng cửa phiên cuối tuần, sau khi có thời điểm đạt 1,6315 USD, cao nhất trong vòng 4,5 năm, do triển vọng sản lượng cà phê Brazil năm nay sẽ giảm đáng kể bởi thời tiết khô hạn, đúng vào chu kỳ cây cà phê cho sản lượng thấp. Thậm chí khô hạn bây giờ có thể làm giảm sản lượng trong cả vụ mùa tới.
Giá robusta kỳ hạn tháng 7 phiên này cũng tăng 66 UDD, tương đương 4,4%, lên 1.583 USD/tấn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo lượng hàng tồn kho sang niên vụ mới 2021/2022 ước khoảng 7,23 triệu bao cà phê Robusta, do Việt Nam xuất khẩu khá chậm vì sức tiêu thụ toàn cầu sụt giảm, cước vận tải biển tăng cao trong mùa đại dịch.
Giá cao su thiên nhiên tuần qua đi lên do kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục, các nước duy trì những chương trình kích thích kinh tế khổng lồ giữa bối cảnh cung – cầu cao su thiên nhiên đều tăng.
Phiên cuối tuần 28/5, giá cao su thiên nhiên trên sàn Osaka – tham chiếu cho thị trường Châu Á – có thời điểm đạt mức cao nhất trong vòng 3 tuần.
Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn Osaka sáng 28/5 tăng lên 261 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 7/5 do những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ phát đi từ Mỹ và thông tin cho biết Ngân hàng trung ương Nhật bản sẽ duy trì các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát.
Kết thúc phiên này, giá giảm trở lại về mức 254,3 JPY (2,3 USD)/kg, thấp hơn 1,1 JPTY (0,4%) so với phiên liền trước.
Giá cao su kỳ hạn giao tháng 9 trên sàn Thượng Hải phiên cuối tuần cũng có lúc tăng lên mức cao 13.975 CNY/tấn, mặc dù sau đó giảm về 13.660 CNY (2.143 USD)/tấn.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần giá vẫn tăng 1,2%.
Giá hàng hóa thế giới
gia hang hoa the gioi tuan

 

Nguồn:VITIC / Reuters, Bloomberg

Tags: hàng hóa