menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu ngô Mỹ chịu áp lực cạnh tranh sẽ là yếu tố tạo sức ép tới giá

16:56 27/06/2023

 
Mở cửa phiên giao dịch ngày 27/06, giá ngô vẫn chỉ đang tiếp tục giằng co quanh mức tham chiếu. Kể từ giữa tháng 4, hạn hán đã kéo theo những lo ngại về mùa vụ ngô tại Mỹ dần gia tăng và thúc đẩy giá bước vào nhịp hồi phục mạnh. Triển vọng thời tiết tại Mỹ vẫn chưa rõ ràng trong thời gian gần đây là yếu tố hạn chế đà tăng của giá.
Theo báo cáo Crop Progress được Bộ nông nghiệp Mỹ phát hành vào sáng nay, chỉ ½ diện tích ngô được đánh giá 50% tốt - tuyệt vời, giảm thêm 5% so với tuần trước và thấp hơn mức đánh giá cùng kỳ năm ngoái là 67%. Niên vụ hiện tại có chất lượng ngô được xếp hạng thấp nhất trong cùng tuần kể từ năm 1988. Tình trạng ngô thậm chí còn bị đánh giá kém hơn ở tại một số bang sản xuất lớn như Illinois, Missouri và Minnesota. Vào cuối tuần trước, một vài cơn mưa cục bộ đã xuất hiện tại Midwest tác động hỗ trợ đối với cây trồng vẫn không đáng kể do độ bao phủ thấp và độ ẩm vẫn ở dưới mức trung bình. Mưa rào và giông rải rác tiếp tục được dự báo trong tuần này, nhưng có thể sẽ lại không giúp cải thiện chất lượng cây trồng một cách rõ ràng.
Bên cạnh triển vọng về sản lượng niên vụ 23/24 tại Mỹ, tồn kho đầu vụ cũng gián tiếp ảnh hưởng bởi hoạt động xuất khẩu của Brazil trong giai đoạn này. Tiến độ thu hoạch ngô vụ 2 niên vụ 22/23 của Brazil sẽ được đẩy mạnh trong tuần này nhờ thời tiết khô ráo trên khắp đất nước, Reuters đưa tin. Trong những tuần vừa rồi, mưa vẫn hạn chế máy thu hoạch tiếp cận các cánh đồng. Tuy nhiên, các dự báo thời tiết ở trung tâm Brazil cho thấy một kịch bản thuận lợi cho việc tăng tốc hoạt động thu hoạch trong ít nhất 15 ngày tới”, công ty tư vấn Pátria AgroNegócios cho biết. Hoạt động thu hoạch được đẩy mạnh sẽ càng giúp gia tăng khối lượng ngô xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc và đây cũng chính là lý do mà các số liệu bán hàng của Mỹ trong các báo cáo Export Sales vừa qua ở mức thấp.
Nếu như thời tiết tại Mỹ sẽ không tác động rõ ràng đến giá ngô trong phiên hôm nay thì việc Brazil đẩy mạnh thu hoạch và xuất khẩu sẽ tạo sức ép tới giá. Chúng tôi cho rằng giá ngô có thể suy yếu xuống vùng hỗ trợ 568.

Giá Arabica có thể quay lại đà giảm khi xuất khẩu gia tăng tại Brazil

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/06, giá hai mặt hàng cà phê hợp đồng tháng 09 cùng có sự khởi sắc. Giá Robusta tăng hơn 1% khi thị trường trở lại với những lo ngại khan hiếm nguồn cung, đặc biệt là vấn đề tồn kho cạn kiệt tại Việt Nam. Giá Arabica có phần tăng nhẹ hơn so với giá Robusta trong phiên hôm qua khi triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/24 tại Brazil đã hạn chế phần nào lo ngại nguồn cung ở mức thấp trên thị trường.
Nguồn cung cà phê tiếp tục có những tín hiệu tích cực thông qua dữ liệu xuất khẩu cà phê trong tháng 06 tại Brazil. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết, quốc gia này đã vận chuyển được 1,73 triệu bao cà phê loại 60kg trong 26 ngày đầu tháng 06, cao hơn 1,57 triệu bao của cùng kỳ tháng trước.
Bên cạnh đó, hoạt động thu hoạch cà phê diễn ra tích cực tại vùng sản xuất cà phê chính của Brazil với tiến độ ước đạt 31% diện tích cà phê Arabica, cao hơn mức 26% cùng thời điểm năm trước nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Điều này đưa đến kỳ vọng nguồn cung mới sẽ sớm được đẩy ra thị trường, bù đắp những thiếu hụt hiện tại. Đồng thời, thu hoạch cà phê thuận lợi cũng khiến nông dân an tâm về nguồn cung trong thời gian tới, từ đó mạnh dạn hơn trong bán hàng cà phê niên vụ mới.
Hơn nữa, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE vẫn cho tín hiệu có thể tăng tiếp trong thời gian tới khi vẫn còn 7.249 bao đang chờ phân loại để bổ sung vào các kho lưu trữ cà phê. Tồn kho gia tăng kết hợp với những tín hiệu tích cực về nguồn cung thời gian gần đây, làm giảm bớt đi lo ngại thiếu hụt nguồn cung, từ đó tiếp tục gây sức ép lên giá.

Giá đồng có thể tăng nhờ dấu hiệu tiêu thụ phục hồi

Thị trường đồng mở cửa với lực mua chiếm ưu thế, nhờ nhu cầu tiêu thụ cải thiện trong khi nguồn cung thu hẹp.
Cụ thể, dữ liệu từ Shanghai Metals Market (SMM) cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 2,56 triệu tấn quặng đồng và tinh quặng đồng vào tháng 5, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 21,6% so với tháng 4.
Hơn nữa, triển vọng tiêu thụ đồng trong lĩnh vực ô tô của Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, được củng cố trong bối cảnh doanh số bán xe dự kiến tiếp tục tăng. Theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA), doanh số bán xe chở khách của Trung Quốc vào tháng 6 năm nay dự tính đạt 1,83 triệu chiếc, tăng 5,2% so với tháng 5,.
Nhờ các chính sách hỗ trợ tiêu thụ xe ô tô của Chính phủ, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc đang được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm nay. Điều này gián tiếp thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng đầu vào để sản xuất xe ô tô như đồng.
Trong khi tiêu thụ có dấu hiệu cải thiện thì lo ngại nguồn cung thu hẹp trong ngắn hạn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá. Lũ lụt tại Chile, nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới, khiến cho nhiều nhiều mỏ đồng phải tạm ngừng hoạt động và tình trạng lũ lụt được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài.
Hơn nữa, tồn kho đồng tại Sàn Giao dịch Thượng Hải đã giảm xuống 19.904 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Tồn kho đồng trên Sở Giao dịch London (LME) cũng giảm khoảng 20% kể từ mức 100.100 tấn đạt được vào đầu tháng 6, mức tồn kho hiện tại chỉ còn 80.100 tấn.
Tới phiên tối, loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ bao gồm giấy phép xây dựng, doanh số bán nhà mới và niềm tin tiêu dùng dự kiến sẽ có tác động tới giá đồng. Nếu dữ liệu tích cực hơn so với dự báo, đây sẽ là tín hiệu “bullish” tới giá. Trái lại, nếu dữ liệu tiêu cực, lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng tại Mỹ có thể khiến giá đồng suy yếu trở lại.

Giá dầu có thể tăng bởi kỳ vọng tiêu thụ mùa cao điểm của Mỹ
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch sáng nay với lực mua chiếm ưu thế, và nhiều khả năng đà tăng sẽ tiếp tục trong phiên hôm nay, do kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tích cực trong mùa di chuyển cao điểm tại Mỹ.
Hiệp hội ô tô Hoa Kỳ ước tính 43 triệu người sẽ lái xe 50 dặm trở lên vào kỳ nghỉ lễ độc lập ngày 4/7 sắp tới. Con số này cao hơn 4% so với năm 2019. Các nhà phân tích của Ngân hàng JP Morgan cho biết nhu cầu xăng toàn cầu tăng 365.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, do dữ liệu xăng tăng mạnh của Mỹ, với mức tiêu thụ đạt 9,4 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc 17/6, mức cao nhất trong 8 tuần.
Một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters với 5 nhà phân tích cho thấy cả tồn kho dầu thô và xăng đều giảm trong tuần tính đến ngày 23/6.
Đối với Trung Quốc, các nhà đầu tư hướng sự chú ý vào bài phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thiên Tân. Ông đã đưa ra một kịch bản khá lạc quan cho nền kinh tế trong năm nay, tin tưởng rằng đà cải thiện sẽ tốt hơn vào cuối năm và Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Tuy nhiên, việc hứa hẹn thực hiện các biện pháp để thúc đẩy nhu cầu, nhưng không nêu rõ chi tiết, sẽ đem lại sự thất vọng khá lớn cho giới đầu tư. Do đó, đà phục hồi của giá dầu cũng sẽ còn hạn chế.
Các quan điểm trái chiều về bức tranh tiêu thụ cũng đến từ vùng Trung Đông, cũng khiến cho giá dầu khó bứt phá. Saudi Aramco, nhà sản xuất dầu lớn nhất của Saudi Arabia tin rằng các yếu tố cơ bản của thị trường vẫn “ổn định” trong nửa cuối năm nay do nhu cầu từ các thị trường mới nổi Trung Quốc, Ấn Độ sẽ bù đắp sự suy giảm tại các thị trường phát triển.
Tuy nhiên, các giám đốc điều hành tại Hội nghị Năng lượng châu Á tại Kuala Lumpur có quan điểm trái chiều khi cho rằng nhu cầu xăng dầu và hoá dầu chậm lại trong quý II và công suất nhà máy lọc dầu ngày càng tăng đang gây áp lực cho thị trường.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc