Cà phê sữa đá (Việt Nam): Cà phê tại Việt Nam được pha chế không giống bất kỳ nơi nào khác trên thế giới với nước nóng đổ qua cốc lọc nhỏ để từng giọt cà phê đen đậm đặc chảy xuống ly. Sau đó trộn với sữa đặc có đường và đá rồi thưởng thức.
Flat White (Australia): Flat White đơn giản nhưng ấn tượng: một chút espresso với bọt sữa nóng, không có socola, không siro, chỉ cà phê và bọt sữa.
Espresso Romano (Ý): Espresso được người Ý sáng chế ra vào năm 1884. Trong tiếng Ý, Espresso là “express”, nghĩa là cà phê có thể được phục vụ cho khách hàng ngay lập tức. Việc uống Espresso là cả một nghệ thuật đối với dân Ý. Người thưởng thức một tay cầm tách một tay giữ đĩa, hít hà mùi thơm quyến rũ rồi uống cạn ly chỉ trong 3-4 hơi. Cả quá trình diễn ra nhanh chóng nhưng gọn ghẽ và đầy thanh lịch.
Cà phê phin Ấn Độ (Ấn Độ): Còn được gọi là kaapi theo phiên âm miền Nam Ấn Độ. Cà phê phin của Ấn Độ được làm ra bằng cách trộn bọt sữa với nước chắt ra sau khi lọc bột cà phê qua phin kim loại truyền thống của Ấn Độ. Khi mang ra cho khách, cà phê được phục vụ trong một cốc bằng thép không rỉ để làm mát.
Cà phê Cubano (Cuba): Còn được gọi là cafecito, cà phê Cubano có nguồn gốc cổ điển của cà phê Ý. Để làm một tách Cubano, espresso rang chín được ủ trực tiếp với đường hoặc trộn và làm tan chảy với đường để tạo ra vị ngọt độc đáo. Bạn cũng có thể cho thêm sữa khi uống nếu thích.
Cà phê au Lait (Pháp): Cà phê au Lait thường được phục vụ với bọt sữa ấp áp ở trên mặt tách cà phê nhỏ. Bạn có thể ăn kèm với một chiếc bánh sừng bò vào buổi sáng.
Cà phê Bombón (Tây Ban Nha): Café Bombón phổ biến đầu tiên ở vùng Valencia của xứ bò tót, sau đó nhanh chóng lan rộng ra những nơi khác. Công thức pha chế rất đơn giản, chỉ gồm espresso và sữa đặc pha theo tỉ lệ 1:1. Trước tiên, espresso sẽ được đổ vào chiếc ly thủy tinh trong suốt, sau đó người pha chế từ từ đổ sữa đặc vào để phần sữa đó chìm xuống. Như vậy ly café bombón sẽ có 2 lớp màu riêng biệt. Người pha chế còn thường thêm vào một lớp kem sữa tươi bên trên để hương vị phong phú và thức uống được sinh động, bắt mắt.
Cà phê Melangé (Áo): Cà phê tại Áo có nhiều loại trong đó phổ biến nhất là Wiener Melagé. Giống như cappuccino, loại đồ uống này là một cốc espresso phục vụ trong một tách cà phê lớn với lớp trên cùng là sữa nóng và bọt sữa.
Cà phê Frappé (Hy Lạp): Frappé là hỗn hợp của cà phê hòa tan, nước và một lượng đường khác nhau. Frappé cũng có thể được phục vụ cùng sữa đặc có đường, bán nhiều ở các quán cà phê Hy Lạp hoặc Síp vào mùa hè. Bạn có thể tự lựa chọn độ ngọt ưa thích: glykós với 4 thìa đường, tiếp theo là métrios với 2 thìa đường và skétos không có đường.
Cà phê de Olla (Mexico): Thấm hương thơm của quế và piloncillo – một đường mía chưa tinh chế có mùi giống như đường mật – một cốc Café De Olla ngọt ngào và nóng ấm như hơi thở. Cốc cà phê Mexico truyền thống thường được phục vụ trong cốc đất sét đỏ nung, tại các quán cà phê trên khắp Mexico.
Cà phê Thụy Điển: Ở quốc gia Bắc Âu này, với cà phê không chỉ có chất lượng cao mà cách uống cũng phải độc đáo khác thường. Ở Thụy Điển có một khoảng thời gian gọi là fika, đó đơn giản là lúc bạn có thể nghỉ ngơi, thậm chí là giữa giờ làm việc để uống cà phê. Trong một ngày, fika thường diễn ra vào lúc 9h sáng và 3h chiều.
Cà phê Touba (Senegal): Rất phổ biến ở thủ đô Dakar, món cà phê này được cho thêm tiêu Guinea, một loại gia vị Tây Phi có mùi như bạch đậu khấu. Cà phê Toube còn được cho thêm rất nhiều đường, khiến món đồ uống ngọt ngào và thơm phức này đánh thức giác quan của mọi du khách.
Cà phê Pharisäer (Đức): Thức uống này là một sự kết hợp độc đáo giữa cà phê đen, rượu rum, đường cùng kem sữa béo (whipped cream). Khi uống Pharisäer, người thưởng thức sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo của chất men rượu rum lan tỏa đến mọi giác quan.
Cà phê Türk Kahvesi (Thổ Nhĩ Kỳ): Cà phê truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ có tên gọi là Türk Kahvesi, kết hợp giữa hạt cà phê nghiền mịn và đường, đôi khi với một hoặc hai nhúm gia vị thơm, rồi đun trong bình ở nhiệt độ vừa. Hỗn hợp này đun đến khi sôi, sau đó rót vào cốc nhỏ có hoa văn. Loại đồ uống này rất phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là phương pháp pha cà phê cơ bản trên khắp vùng Trung Đông và một phần của khu vực Balkan.
Cà phê Ethiopia: Nếu là người may mắn, bạn sẽ ghé thăm Ethiopia đúng dịp có lễ hội cà phê. Những hạt cà phê được rang tại chỗ, xay thủ công bằng cối và chày trước khi cho vào một bình đất nung rồi cho lên bếp đun sôi. Cà phê ở Ethiopia có thể dùng với đường và muối, ăn kèm với đồ ăn nhẹ và nếu đến đây vào dịp lễ hội thì bạn phải uống ít nhất 3 cốc cà phề ở mỗi nhà.
Nguồn: Wanderlust Tip