menu search
Đóng menu
Đóng

Đề nghị HS các cấp đều được học trên truyền hình trong thời gian nghỉ phòng Covid-19

09:58 10/03/2020

Vinanet - Về việc Hà Nội triển khai học trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và 12 toàn thành phố từ ngày 9/3, thông tin phản hồi từ phụ huynh khá tích cực và mong việc học trên truyền hình sớm được áp dụng với các cấp học khác.
Ngay ngày đầu tiên Hà Nội thông báo tổ chức các buổi học trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12 của thành phố, nhiều phụ huynh đã dành thời gian theo dõi loại hình mới này.
“Tôi đã dự buổi học đầu tiên cùng con với môn Văn lớp 12 do giáo viên trường THPT Chu Văn An giảng. Buổi học qua truyền hình khá hấp dẫn, tôi là dân khoa học tự nhiên nhưng nghe cô giáo giảng thấy rất hay, cuốn hút, dễ hiểu.
Đây là hình thức cần được phát huy với các cấp học trong tình hình nghỉ học vì Covid-19 chưa biết sẽ kéo dài đến đâu” – Chị Nguyễn Mai Anh, phụ huynh học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu giấy cho biết.
Việc Sở GD-ĐT Hà Nội triển khai học trên truyền hình cho gần 200.000 học sinh Hà Nội lớp 9 và 12 ngày 9/3 khiến phụ huynh, học sinh hào hứng khi có thể cập nhật kiến thức mới thay vì chỉ ôn lại kiến thức cũ qua hình thức trực tuyến hoặc qua hướng dẫn gián tiếp của các giáo viên qua email, điện thoại hay mạng xã hội trong thời gian nghỉ học vì Covid-19.
Bà Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng trường THCS Tân Định, Hoàng Mai cho biết, ngay khi có thông báo vào chiều 8/3 về việc triển khai cho học sinh lớp 9 học trên truyền hình 3 môn Văn, Toán, Tiếng Anh từ sáng 9/3, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã thông báo tới tất cả phụ huynh học sinh lớp 9 để kịp thời bố trí cho con học tập tại nhà.
“Hình thức học tập này khá thuận tiện khi các nhà đều có thể triển khai mà không cần thiết bị công nghệ như học trực tuyến. Việc giảng dạy trên truyền hình cũng được ngành giáo dục chuẩn bị kỹ với các bài giảng từ giáo viên giỏi của thành phố nên dễ thu hút học sinh và đồng thời cũng là điều kiện để giáo viên toàn thành phố cùng theo dõi, học tập” – bà Hường chia sẻ.
Tuy nhiên, điều mà hiệu trưởng này còn băn khoăn là làm sao để việc học trên truyền hình được hiệu quả vì khó kiểm duyệt hơn là học trực tuyến có thể nhìn thấy con số qua lượt truy cập của từng tài khoản của mỗi học sinh. Điều này đòi hỏi nhà trường và thầy cô phải có kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể.
"Để giáo viên nắm sát quá trình học tập của học sinh, trường THCS Tân Định yêu cầu tất cả giáo viên dạy Văn, Toán, Anh khối 9 phải theo dõi đầy đủ các buổi dạy trên truyền hình bộ môn của mình, có ghi chép nội dung bài học.
Giáo viên trong nhóm chuyên môn Văn, Toán, Anh 9 trao đổi để lập hệ thống câu hỏi, bài tập phù hợp với nội dung bài dạy. Giáo viên dạy lớp nào gửi bài tập cho học sinh lớp đó, yêu cầu học sinh làm và gửi kết quả bài tập cho giáo viên để chữa bài cho học sinh" - Hiệu trưởng trường THCS Tân Định cho biết.
Đối với học sinh, trường này yêu cầu tham dự đầy đủ tất cả các buổi dạy học trên truyền hình, ghi chép vào vở nội dung bài học. Các em sẽ phải chụp ảnh việc cá nhân theo dõi buổi dạy trên truyền hình, gửi minh chứng về cho giáo viên chủ nhiệm sau từng buổi học, đồng thời làm và gửi các bài tập mà giáo viên bộ môn giao cho.
Được biết, ngay trong ngày đầu, tỷ lệ học sinh lớp 9 tham gia học trên truyền hình của trường THCS Tân Định đạt cao nhất 82%.
Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy cũng đã có kế hoạch chi tiết tới từng giáo viên với yêu cầu 100% học sinh lớp 12 tích cực tham gia học và hoàn thiện sản phẩm học ngay sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu triển khai học trên truyền hình với học sinh lớp 12.
“Để việc học tập được hiệu quả, nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm lớp 12, trưởng bộ môn và giáo viên bộ môn từng nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 đã thông báo tới toàn thể học sinh, cha mẹ học sinh lịch phát sóng tuần từ 09/3/2020 đến 14/3/2020 để học sinh biết, bố trí thời gian tham gia học tập đạt kết quả tốt nhất.
Các thầy cô có nhiệm vụ đôn đốc nhắc nhở học sinh tích cực làm bài tập, câu hỏi khi các thầy cô giáo bộ môn giao và hoàn thành sản phẩm học tập theo lịch của các thầy cô giáo; khuyến khích và động viên kịp thời những học sinh tích cực, chủ động trong học và làm bài tập, đồng thời thông tin tới cha mẹ học sinh về tình hình học và làm bài tập” – bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa cho biết.
Trường này cũng yêu cầu giáo viên các bộ môn gửi hệ thống câu hỏi bài tập, kiểm tra đó tới tất cả học sinh trong lớp và thu lại sản phẩm học tập của tất cả học sinh để theo dõi việc học và nâng cao hiệu quả của việc học trên truyền hình, đồng thời thông báo tới giáo viên chủ nhiệm về tình hình học và hoàn thiện sản phẩm học tập của lớp bằng số liệu cụ thể
“Vì mới triển khai ngày đầu nên tôi cũng yêu cầu giáo viên trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc từ giáo viên hay phản hồi từ học sinh thì cần trao đổi ngay với Ban giám hiệu nhà trường để kịp thời giải đáp” – bà Nhiếp thông tin.

Nguồn:An Ninh Thủ Đô

Link gốc