Trang thương mại trực tuyến của Aeon hoạt động thông qua nền tảng B2C (bán trực tiếp cho người tiêu dùng) với phần lớn hàng hóa được nhập khẩu từ Nhật Bản. Hiện, AeonEshop hoạt động chủ yếu tại TPHCM và dự kiến sẽ mở rộng khắp Việt Nam trong tương lai. Công ty cũng dự kiến phát hành website phiên bản tiếng Anh và ứng dụng điện thoại vào giữa năm nay.
Việt Nam là thị trường thứ ba mà Aeon mở trang thương mại điện tử sau Nhật Bản và Malaysia.
Kể từ khi gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam vào năm 2014, đến nay Aeon đã có bốn trung tâm mua sắm đi vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư cho các trung tâm mua sắm này lên đến khoảng 500 triệu USD. Theo Aeon, hãng này đón hàng triệu lượt khách tham quan và mua sắm mỗi tháng.
Mục tiêu của Aeon là sẽ mở rộng đầu tư để có 20 trung tâm mua sắm lớn tại Việt Nam trước năm 2020. Tại Việt Nam, tập đoàn bán lẻ này cũng đã mua cổ phần hai hệ thống siêu thị của Việt Nam gồm Citimart và Fivimart với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 49% và 30% vốn điều lệ.
Aeon được thành lập từ năm 1758 và hiện tham gia 179 liên doanh trong và ngoài nước Nhật. Hãng bán lẻ này đã mở tổng cộng 12.000 trung tâm và cửa hàng tại châu Á Thái Bình Dương.
Mới đây, một đại gia bán lẻ đến từ Hàn Quốc là Lotte cũng cho ra mắt trang thương mại điện tử tại Việt Nam. Ngày càng có nhiều tên tuổi lớn của quốc tế gia nhập thị trường Việt Nam, trong đó phải kể đến Central Group (Thái Lan) - doanh nghiệp sở hữu trang Zalora, và tập đoàn Alibaba (Trung Quốc), hiện đang sở hữu Lazada.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Kantar World, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán sẽ tăng quy mô gấp 5 lần hiện tại vào năm 2020 nhờ lượng người dùng smartphone gia tăng và người tiêu dùng Việt ngày càng ưa chuộng tính tiện lợi.
Nguồn: nhipcaudautu.vn