menu search
Đóng menu
Đóng

Đàm phán TPP: chỉ còn vướng 2%

16:30 02/08/2015

Cuộc họp cấp bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng dù trước đó rất được kỳ vọng thành công.
Theo AFP, nhiều vấn đề gai góc đã làm cản trở cuộc đàm phán ở Hawaii (Mỹ), chủ yếu là bất đồng liên quan đến thị trường nông nghiệp, xe hơi và bảo hộ các hãng dược phẩm.

Bước lùi cho ông Obama

Kết quả kể trên đã làm nản lòng nhiều đại biểu tham gia đàm phán, những người đã cố gắng làm việc ngày đêm để vượt qua các vấn đề còn tồn tại và đạt được những tiến bộ đáng kể về nhiều vấn đề gây tranh cãi.

Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb tỏ ý tiếc nuối khi cho rằng vấn đề nằm ở bốn nền kinh tế lớn là Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico trong bối cảnh các nước đã giải quyết được đến 98% vấn đề.

Theo Reuters, giới quan sát nhận định thất bại trong việc đi đến một thỏa thuận là một bước lùi đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama khi mà thỏa thuận này được coi là công cụ kinh tế của chính quyền Mỹ trong chính sách xoay trục châu Á và là thời cơ để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực.

Đàm phán ở Hawaii có sự tham dự của 650 đại biểu được coi là cơ hội cuối cùng để đi đến một thỏa thuận, kịp lúc để Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay, trước kỳ bầu cử tổng thống năm 2016.

Giới quan sát cho rằng thất bại lần này có nghĩa vòng đàm phán tiếp theo sẽ đẩy việc Mỹ phê chuẩn hiệp định sang năm 2016, năm bầu cử tổng thống.

Việc trì hoãn, theo nhận định của báo New York Times, sẽ làm dấy lên viễn cảnh TPP có thể sẽ được phê chuẩn trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của Mỹ, như trường hợp ý tưởng về Thỏa thuận mậu dịch tự do Bắc Mỹ của tổng thống George H.W. Bush được chốt lại trong nhiệm kỳ của cựu tổng thống Bill Clinton.

Tiếp tục đàm phán song phương


TPP khi hình thành sẽ gồm 12 nước, trải dài từ Nhật Bản đến Chile và chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. Bất chấp kết quả không như mong muốn sau bốn ngày thảo luận, các nước vẫn tự tin rằng một thỏa thuận đang nằm trong tầm với.

Reuters dẫn lời đại diện thương mại Mỹ Michael Froman khẳng định sau đàm phán ở Hawaii: “Chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong các cuộc gặp tuần qua. Chúng tôi đang tiến tới một thỏa thuận”. Ông Froman cho hay những nước có liên quan sẽ tiếp tục có các cuộc thảo luận song phương để tìm cách giải quyết các bất đồng còn tồn tại.

“Những tiến bộ đạt được trong tuần qua phản ánh cam kết dài lâu của chúng tôi trong việc đem đến một thỏa thuận TPP tham vọng, toàn diện và tiêu chuẩn cao, giúp hỗ trợ việc làm và tăng trưởng kinh tế xuyên suốt khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - ông Froman phát biểu.

Còn Bộ trưởng Kinh tế Nhật Akira Amari tuyên bố các nước tham gia đàm phán TPP có thể đạt được một thỏa thuận nếu họp mặt một lần nữa. Đài NHK của Nhật dẫn lời ông Amari nói theo thông tin của ông thì các bộ trưởng đang nhắm đến việc họp lại vào cuối tháng 8 này. “Nếu chúng ta không đúc kết được vấn đề vào lần tới, mọi thứ sẽ trở nên rất khó khăn” - ông Amari cảnh báo.

Chuyên gia Việt Nam: hơi bất ngờ

Tiến sĩ Trần Vinh Dự chia sẻ rằng không chỉ ông mà nhiều người hơi bất ngờ với kết quả đàm phán tại Hawaii, vốn được kỳ vọng sẽ là vòng đàm phán cuối cùng. Theo ông Dự, khi chính quyền Obama có “quyền đàm phán nhanh” (TPA), các nước tham gia đàm phán được cho là sẽ nhìn cơ hội đó để đạt được TPP sớm nhất.

Ông Dự cho rằng Việt Nam đã cố gắng rất nhiều trong đàm phán và là một trong những quốc gia khá mềm dẻo trong đàm phán nhằm sớm đạt được thỏa thuận, nên khi một số quốc gia giữ lập trường cứng rắn, nhiều người Việt Nam chắc chắn sẽ thất vọng.

Thật ra nguyên nhân gây bất đồng gồm những vấn đề lớn, gai góc, không dễ đạt được đồng thuận một sớm một chiều. Với diễn biến này, theo tiến sĩ Dự, TPP sẽ khó kết thúc sớm như kỳ vọng và các nước phải nỗ lực nhiều mới có thể kết thúc đàm phán trong năm 2015.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng việc TPP tiếp tục lỡ hẹn lần này không quá bất ngờ vì TPP đã lỡ hẹn nhiều lần. Không chỉ Việt Nam mà các nước đều kỳ vọng TPP có thể kết thúc sớm nhưng cũng cần lưu ý đây là hiệp định chất lượng cao, có phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát nhiều lĩnh vực, không dễ tìm được sự đồng thuận vì còn đảm bảo lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho biết ngay cả khi chưa thể kết thúc đàm phán tại Hawaii lần này thì tiến trình đàm phán cũng đã đạt được nhiều tiến bộ, một số vấn đề “xương xẩu” đã được các nước cùng giải quyết.

Theo ông, đàm phán đã kéo dài nhiều năm, các nước đã cố gắng vượt qua nhiều khác biệt, nên một cách lạc quan, các nước sẽ biết cách để có thể kết thúc đàm phán trong năm 2015.

Theo N.BÌNH - THU ANH
Tuổi trẻ

Nguồn:Tuổi trẻ