menu search
Đóng menu
Đóng

Ông Đặng Thành Tâm: Lãi suất cho vay sẽ giảm xuống 4 - 5% sau TPP

08:56 16/10/2015

Vinanet - Với quy định của TPP rằng các nước không được phá giá đồng tiền, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đổ tiền vào Việt Nam nhiều hơn vì điều mà họ lo lắng nhất đã được xóa bỏ.

Là thành viên hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, thành viên tư vấn cao cấp chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu WTO của Việt Nam, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Kinh Bắc được đánh giá là doanh nhân tham gia tích cực vào hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. 

Trao đổi với Vinanet, ông Tâm cho rằng TPP là thành công của cộng đồng thế giới với những người hướng về tự do hóa toàn cầu. Hiệp định TPP mang tầm thế kỷ. Đối với riêng Việt Nam, TPP dự kiến sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn thách thức. Tự do hóa toàn cầu là xu hướng tất yếu của tương lai, trong đó người tiêu dùng được hưởng lợi là mục đích cuối cùng. 

"Cho đến thời điểm hiện tại, Hiệp định TPP chưa được công bố chi tiết, nhưng theo tôi khi TPP có hiệu lực, ngoài vấn đề cắt giảm thuế suất nhập khẩu, sẽ có những vấn đề khác được thông qua như đầu tư, luân chuyển lao động, lưu chuyển tiền tệ. 

Đặc biệt, các nước sẽ không thể một mình một kiểu mà phải cùng thay đổi thể chế để tham gia một sân chơi chung. Theo đó, các thành viên sẽ điều chỉnh giảm thủ tục hành chính. Ước giảm được 5 – 10% chi phí và giá thành sản phẩm, khi đó người tiêu dùng được hưởng lợi. Thứ nữa là khi hội nhập, giá hàng hóa dịch vụ rẻ hơn nhiều nên tổng cầu tăng kéo theo tổng cung tăng, tổng cung tăng kéo theo nguồn lao động tăng và GDP tăng", ông Tâm nói. 

Một trong những điểm nhấn về tài chính ông Tâm nhắc tới khi nói về TPP là vấn đề giảm lãi suất. Trong đó, theo ông Tâm khi tham gia TPP, vấn đề tự do hóa tài chính hay việc kỳ vọng lãi suất giảm đều là tín hiệu tốt cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Vì chi phí tài chính là chi phí lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi, ở các nước, chi phí lao động mới là chi phí chính.

Ông Tâm đánh giá, nếu giải phóng được "nút thắt cổ chai" thì dòng vốn từ nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam rất lớn. Khi nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường chứng khoán, tiền đầu tư trực tiếp sẽ không làm nợ quốc gia tăng và giá vốn sẽ giảm thấp, phù hợp hơn với khu vực.

Trước đây lãi suất thấp hoặc cao thì Chính phủ các nước sợ đồng tiền lên gia hay mất giá. Nhưng trong TPP, các nước không được phá giá đồng tiền. Và khi phá giá đồng tiền, các nước phải được sự thống nhất của nhau.

'"Hiện tại, lãi suất cho vay của các nước thành viên tham gia TPP khá thấp so với Việt Nam. Do đó, khi gia nhập sân chơi này, chắc chắn tới đây Chính phủ sẽ điều chỉnh giảm lãi suất, để giảm giá thành sản phẩm khi hội nhập. Nói một cách khác, tham gia TPP, tài chính của Việt Nam cũng được hưởng lợi", vị doanh nhân này nói. 

TPP đem lại thị trường tự do hóa thương mại và tự do hóa đầu tư, về tài chính hay tạo ra sự luân chuyển dòng tiền. Với cơ chế luân chuyển dòng tiền, tiền sẽ từ nơi rẻ sẽ chuyển về nơi đắt. 

Tại thị trường Việt Nam, trước đây nhiều doanh nghiệp nước ngoài sợ trượt giá đồng tiền của họ khi đầu tư. Nhưng với quy định của TPP rằng các nước không được phá giá đồng tiền, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đổ tiền vào Việt Nam nhiều hơn vì điều mà họ lo lắng nhất đã được xóa bỏ. Khi dòng tiền tiền góp vốn không phải khoản nợ quốc gia. Dòng vốn sẽ ngày càng ngày càng rẻ đi.

Quay lại dòng vốn trong nước, ông Tâm lưu ý rằng "Có lẽ Chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu cắt giảm các chi phí ngân hàng để cắt giảm lãi suất. Bởi ví dụ, cùng một ngành nghề, nhưng lãi suất vay của nước ngoài rẻ hơn thì cấu thành giá sản phẩm của họ cũng rẻ hơn, hàng hóa trong nước vô hình chung sẽ không còn sức cạnh canh".

"Lãi suất của Việt Nam hiện nay so với thời kỳ khác là lãi suất ước mơ. Nhưng nếu TPP có hiệu lực (từ 1-2 năm nữa), lãi suất cho vay của Việt Nam sẽ không nên để như mức hiện tại", ông Tâm nói.

Ông Tâm tỏ ra lạc quan về tài chính trong nước. "Trước đây khi sang Singapore, bảng điện tử hoán đổi đổi tiền tệ của họ không có xuất hiện đồng tiền Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay đã khác. Điều này chứng tỏ đồng tiền Việt Nam đang có tính thanh khoản tốt. Sau TPP, chắc chắn hoạt động luân chuyển tiền tệ mạnh hơn. Khi dòng tiền đổ vào nhiều hơn, tự khắc lãi suất giảm.

Hiện nay, lãi suất ở các nước TPP như Nhật Bản, Singapore và nhiều nước dưới 2%, cao như Hoa Kỳ là 4%. Đặc biệt, thời gian vay từ 10 - 20 năm. Để doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh được trong điều điện TPP yêu cầu nghiêm ngặt về phá giá đồng tiền, Việt Nam cần giảm lãi suất cho vay. Việt Nam không ước mức lãi suất 2% nhưng có lẽ phải giảm xuống còn 4 - 5%. 

Nếu không giảm lãi suất khi gia nhập TPP, doanh nghiệp sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng có thể sẽ sang các nước TPP khác như Singapore, Mỹ, Nhật,... để vay vốn kinh doanh với lãi suất rẻ hơn. 

Và khi TPP có hiệu lực, dòng vốn đầu tư gián tiếp từ những nơi giá vốn rẻ cũng sẽ đến Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán, nên lãi suất chắc chắn sẽ hạ thấp", ông Tâm cho hay. 

Quay trở lại câu chuyện của doanh nghiệp trong nước. Vị doanh nhân này chia sẻ "Có một điều hiện nay nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng mà chưa tiện nói ra. Nhưng theo tôi cũng không nên lo ngại mà cần chuẩn bị lộ trình hợp tác, hoặc tự sức bật lên.

Hiện một số doanh nghiệp trong nước đang e ngại việc doanh nghiệp nước ngoài vào sẽ chiếm lĩnh thị trường. Nhưng quan điểm thị trường hiện nay không phải là thị trường thực dân. Doanh nghiệp nước ngoài vào sẽ không "đánh" doanh nghiệp trong nước mà họ muốn hợp tác và tìm đối tác, thậm chí M&A công ty trong nước để cùng phát triển trên tinh thần win-win.

Nếu anh giỏi và anh có vốn, anh sẵn sàng chiến đấu và vẫn có thể chiến thắng. Nhưng nếu yếu, anh hãy chọn phương án hợp tác. Vì xu hướng nền kinh tế hiện nay là xu hướng toàn cầu hóa. Sự thành công tính theo hàng hóa chứ không tính theo biên giới. Các bên hợp tác sẽ cùng hưởng lợi", ông Tâm tỏ ra lạc quan.

Cùng quan điểm với ông Tâm, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Nguyên Ngọc - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Kansai Việt Nam (công ty chuyên về dịch vụ xây dựng công nghiệp) tỏ ra lạc quan với TPP. Ông Ngọc cho biết " một hai năm nay, nguồn vốn đầu tư từ Nhật vào Việt Nam đột ngột giảm đi không rõ lý do. Có thể do khó khăn nội tại trong nền kinh tế Nhật Bản. Nhưng với TPP, dự kiến sẽ có thêm dòng vốn của Nhật sẽ đổ vào các khu công nghiệp tại Việt Nam", ông Ngọc cho hay. 

Huyền Thương