Con số 3.000 tỷ USD là vào thời điểm 2010. Tính tới thời điểm hiện tại, trị giá nguồn tài nguyên thiên nhiên của Afghanistan đã tăng hơn nhiều vì giá đồng, giá vàng... đều tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua.
Đồng
Theo báo cáo của Bộ Mỏ và Dầu mỏ Afghanistan năm 2019, nguồn đồng của nước này khoảng 30 triệu tấn. Một tài liệu khác công bố cùng năm cho thấy nước này còn nguồn đồng trong mỏ chưa khai thác là 28,5 triệu tấn. Nghĩa là Afghanistan có khoảng gần 60 triệu tấn đồng, trị giá hàng trăm tỷ USD theo giá hiện tại khi nhu cầu về kim loại màu này tăng lên.
Nhận thấy tiềm năng lớn, tập đoàn Metallurgical Corp of China và Jiangxi Copper đã ký hợp đồng thuê dự án đồng lớn nhất tại Afghanistan, Mes Aynak, vào năm 2008. Nguồn đồng khổng lồ từ Mes Aynak trị giá hơn 100 tỷ USD theo giá hiện tại trên London Metal Exchange.
Các kim loại khác
Theo báo cáo năm 2019, Afghanistan sở hữu 2,2 triệu tấn quặng sắt, trị giá hơn 350 tỷ USD theo giá hiện tại. Nguồn vàng cũng ít nhất ở mức 2.700 kg, trị giá gần 170 triệu USD. Trong khi đó, nhôm, thiếc, chì, kẽm cũng nằm rải rác ở nhiều nơi tại Afghanistan.
Lithium và đất hiếm
Bản ghi nhớ của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2010 mô tả Afghanistan là "Arab Saudi của lithium", nghĩa là nước này đóng vai trò đối với việc cung cấp lithium cho sản xuất pin trên toàn cầu như Arab Saudi cung cấp dầu thô cho thế giới.
Báo cáo 2017/2018 từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết Afghanistan có trữ lượng lớn spodumene, loại khoáng chất chứa lithium, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về khối lượng.
Báo cáo của Bộ Mỏ và Dầu mỏ Afghanistan năm 2019 cũng cho thấy Afghanistan sở hữu 1,4 triệu tấn đất hiếm, nhóm gồm 17 nguyên tố được đánh giá cao nhờ các ứng dụng trong điện tử tiêu dùng, cũng như trong thiết bị quân sự.
Afghanistan cũng có khoảng 1,6 tỷ thùng dầu thô, 16.000 feet khối khí đốt tự nhiên và 500 triệu thùng khí đốt tự nhiên khác. Với mức giá hiện tại, riêng dầu thô trị giá 107 tỷ USD.
Đá quý
Afghanistan cũng là nơi rất giàu đá lapis lazuli, loại có màu xanh đậm, được khai thác ở tỉnh phía bắc Badakhshan. Loại lapis lazuli tốt nhất có thể lên đến 150 USD/carat. Afghanistan cũng sở hữu nhiều loại đá quý khác như hồng ngọc, ngọc lục bảo.
"Afghanistan chắc chắn là một trong những khu vực giàu nhất về kim loại quý truyền thống, những kim loại cần thiết cho cho các nền kinh tế mới nổi của thế kỷ 21", ông Rod Schoonover, nhà khoa học - người sáng lập Ecological Futures Group, nhận định.
Những thách thức về an ninh, thiếu cơ sở hạ tầng và hạn hán nghiêm trọng đã ngăn cản việc khai thác hầu hết các loại khoáng sản có giá trị trong quá khứ.
Ông Said Mirzad thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ nhận định hồi năm 2010 rằng nếu Afghanistan có vài năm bình yên, cho phép phát triển nguồn khoáng sản, nước này có thể trở thành một trong những quốc gia giàu nhất khu vực chỉ trong một thập kỷ.
Nguồn:Đỗ Lan/NDH