Theo dữ liệu hải quan, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2025, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 4,72 triệu tấn phôi thép – gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái – chiếm gần 10% tổng lượng xuất khẩu thép trong cùng thời kỳ. Đây được xem là mức cao kỷ lục, phản ánh nỗ lực thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước có nhiều thay đổi.
Phôi thép là sản phẩm thép ở dạng bán thành phẩm, được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các quá trình cán và chế biến tiếp theo. Do đặc tính này, nhiều quốc gia không áp dụng mức thuế nhập khẩu như đối với thép thành phẩm. Indonesia, Philippines, Ả Rập Xê Út, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ hiện là những thị trường tiêu thụ chính đối với phôi thép Trung Quốc. Một số quốc gia khác trong khu vực Đông Á cũng có chính sách thuế tương tự đối với mặt hàng này.
Theo nhận định của ông Tomas Gutierrez, chuyên gia thuộc công ty tư vấn Kallanish Commodities, xu hướng chuyển sang xuất khẩu phôi thép đã bắt đầu từ cuối năm 2024, trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu đi và các biện pháp phòng vệ thương mại tăng lên tại một số thị trường.
Bên cạnh đó, các chuyên gia từ tổ chức phân tích thị trường Mysteel cho biết, một phần phôi thép xuất khẩu từ Trung Quốc được đưa vào các chuỗi cung ứng chế biến tại Đông Nam Á, sau đó được xuất khẩu tiếp sang các thị trường khác, bao gồm châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động này hiện chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi về thuế suất nhập khẩu tại một số quốc gia.
Khuyến nghị định hướng xuất khẩu theo giá trị gia tăng cao
Trước đà tăng mạnh của xuất khẩu phôi thép, một số tổ chức trong nước đã đưa ra khuyến nghị về việc định hướng lại chiến lược xuất khẩu, nhằm tập trung hơn vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) – tổ chức đại diện cho ngành – trong một phát biểu được truyền thông trong nước dẫn lại gần đây, đã đề xuất cơ quan quản lý xem xét hạn chế xuất khẩu phôi thép, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và mở rộng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu.
Một nguồn tin am hiểu cho biết các cơ quan chức năng đang thảo luận về khả năng áp dụng một số biện pháp điều tiết phù hợp, bao gồm cả việc cân nhắc thuế xuất khẩu đối với phôi thép, nhằm đảm bảo định hướng phát triển dài hạn cho ngành. Tuy nhiên, hiện chưa có quyết định chính thức về nội dung này.
Theo số liệu từ Mysteel và Fubao, chênh lệch giá trị gia tăng giữa phôi thép và thép thành phẩm hiện dao động từ 400 đến 500 nhân dân tệ (tương đương 56–70 USD)/tấn – một yếu tố được cân nhắc trong việc định hướng lại cơ cấu xuất khẩu.
Nguồn:VINANET/VITIC/Reuters