menu search
Đóng menu
Đóng

Giá sắt thép thế giới hôm nay 1/6: Quặng sắt nhảy vọt do kế hoạch cắt giảm sản lượng

12:27 01/06/2021

Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc sáng ngày 1/6/2021 đã tăng phiên thứ ba liên tiếp, tăng hơn 5%, khi các phương tiện truyền thông đưa tin rằng trung tâm thép Đường Sơn có kế hoạch cắt giảm sản lượng tại các nhà máy của họ.
 
Chính phủ Đường Sơn đã tổ chức một hội nghị chuyên đề để bàn bạc xem xét việc cắt giảm sản lượng cho một số nhà máy đã hoàn thành nâng cấp phát thải cực thấp.
Chính quyền Đường Sơn đã hối thúc các nhà sản xuất thép cắt giảm sản lượng 30% -50% trong tháng 3 để cải thiện chất lượng không khí, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung do thành phố này chiếm hơn 13% tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc.
Giá nguyên liệu sản xuất thép tăng do hy vọng nhu cầu tăng.
Giá quặng sắt kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên giao tháng 9/2021, tăng 5,8% lên 1.153 CNY (tương đương 181,09 USD)/tấn.
Giá quặng sắt giao ngay với hàm lượng sắt 62%Fe để giao cho Trung Quốc tăng 8 USD lên 200,5 USD/tấn.
Giá than luyện cốc tại Đại Liên tăng nhẹ 0,6% lên 1.799 CNY/tấn, trong khi giá than cốc giao sau tăng 2,9% lên 2.541 CNY/tấn.

Trên sàn giao dịch Thượng Hải giá thép thanh trong xây dựng giao tháng 10/2021, giảm 1,5% xuống 4.955 CNY/tấn.

Giá thép cuộn cán nóng giảm 2,5% xuống 5.259 CNY/tấn.
Ngược lại, giá thép không gỉ giao sau tại Thượng Hải giao tháng 7 tăng 2,7% lên 16.050 CNY/tấn.

Các nhà phân tích của Citi Research cho biết, động thái của chính quyền Đường Sơn có thể gây một số áp lực lên giá thép trong thời gian tới khi thị trường bước vào mùa yếu.

"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong đợi nhiều biện pháp sản xuất ở các tỉnh khác trong 6 tháng cuối năm để giảm lượng khí thải carbon”.
Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết sẽ thắt chặt việc phê duyệt các dự án sử dụng nhiều năng lượng và gây ô nhiễm như thép, nhôm và luyện cốc.
Xuất khẩu thép dự kiến sẽ giảm do chính phủ Trung Quốc thực hiện một loạt hành động nhằm ngăn chặn đà tăng bất thường của lạm phát hàng hóa số lượng lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những hạn chế này sẽ chỉ cản trở hoạt động kinh doanh của các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc mà khó có khả năng lan rộng trên thị trường quốc tế do lượng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc hạn chế.
Trong bối cảnh đầu cơ thị trường và lạm phát quốc tế tăng cao khiến giá các sản phẩm thép chỉ trong hai tuần tăng hơn 1.600 CNY/tấn, giá thép của Trung Quốc đã tăng vọt từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, thu hút sự chú ý từ cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc.
Với nỗ lực nhằm giảm thiểu lạm phát, chính phủ Trung Quốc đã khôi phục thuế xuất khẩu thép và cắt giảm thuế nhập khẩu sắt từ ngày 1/5. Tuy nhiên, hạn chế này có thể đè nặng lên các nhà xuất khẩu thép trong nước của quốc gia này.
Ông Wang Ji, Giám đốc của Công ty Thương mại Thép Đường Sơn Xunzhuo - chuyên xuất khẩu các sản phẩm thép sang Đông Nam Á và Châu Phi, cho biết, công ty của ông có thể xuất khẩu tới 40.000 tấn sản phẩm thép sang thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, trong năm nay, công việc kinh doanh của công ty ông không mấy suôn sẻ vì giá cả tăng cao khiến sản phẩm thép Trung Quốc không được ưa chuộng ở các quốc gia khác.
Ông chia sẻ thêm: “Các khách hàng không thể theo kịp với đà tăng giá của các sản phẩm thép, đặc biệt là ở các nước ở châu Phi, từ đó kéo theo doanh số của chúng tôi giảm đáng kể trong năm nay bất chấp giá cả đang tích cực”.
Với các mức thuế mới được áp đặt, ông Wang lo ngại rằng hoạt động kinh doanh xuất khẩu của mình sẽ gặp nhiều trở ngại hơn trong nửa cuối năm nay.
Theo ông Wang Guoqing, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu thông tin thép Lange Bắc Kinh, thị trường quốc tế sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi giới hạn xuất khẩu của Trung Quốc, vì nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong sản lượng hàng năm của Trung Quốc.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc chủ yếu là thép cuộn cán nóng, mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn. Trong khi đó, thép thanh vằn, một sản phẩm thép được sử dụng rộng rãi trong cơ sở hạ tầng, chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng lượng thép xuất khẩu.

Nguồn:VITIC/Reuters