menu search
Đóng menu
Đóng

Giá vàng chiều ngày 13/1/2022 trong nước giảm, thế giới tăng

14:33 13/01/2022

Giá vàng thế giới hôm nay tiếp tục tăng nhẹ nhưng giá vàng trong nước lại giảm, riêng SJC tăng nhẹ lên mức 61,67 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước giảm
Vào lúc 14h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 61 triệu đồng/lượng - bán ra 61,67 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 60,90 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng) - bán ra 61,50 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 61,12 triệu đồng/lượng (tăng 10.000 đồng/lượng) - bán ra 61,60 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 61,10 triệu đồng/lượng - bán ra 61,60 triệu đồng/lượng (giảm 30.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.824 – 1.828 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 13/1 giao dịch quanh ngưỡng 1.824 - 1.828 USD/ounce, tăng 5 - 8 USD/ounce so với hôm qua.
Đêm qua, giá vàng thế giới tiếp tục được giao dịch ở vùng giá cao 1.815-1.825 USD/ounce bất chấp các chỉ số chứng khoán Mỹ khởi sắc. Lúc 21h45 đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới tăng nhẹ 1,80 USD (0,10%) lên 1.824,50 USD/ounce; Giá vàng kỳ hạn tháng 2 cũng tăng lên 1.819,80 USD/ounce. Trước đó có lúc giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 1.825 USD lên 1.826.50 USD/ounce.
Ngày 12/1, Bộ Lao động Mỹ cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã tăng 0,5% trong tháng trước, sau khi tăng 0,8% trong tháng 11. Dữ liệu này đánh bại các dự báo trước đó khi các nhà kinh tế dự báo mức tăng 0,4%. Tính trung bình cả năm 2021, lạm phát Mỹ tăng 7%, phù hợp với dự đoán và là mức cao nhất kể từ tháng 6/1982.
Trong khi đó, CPI cốt lõi, bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng tăng 0,6% trong tháng 12/2021, tăng từ mức tăng 0,5% trong tháng 11. Trong năm 2021, lạm phát cơ bản đã tăng 5,5%, là “mức thay đổi lớn nhất trong 12 tháng kể từ giai đoạn kết thúc vào tháng 2/1991”.
Một số nhà phân tích cho rằng vàng không có nhiều phản ứng với dữ liệu lạm phát mới nhất vì thị trường đang mong đợi một báo cáo nóng hơn nhiều.
Trước đó, các nhà phân tích dự báo CPI lõi của Mỹ, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, sẽ tăng 5,4%, cao nhất trong nhiều thập niên và tăng từ 4,9% trong tháng trước. Điều này có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm tăng lãi suất.
Gây sức ép với vàng, cổ phiếu châu Âu và phố Wall tăng điểm sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell có vẻ ít tiêu cực hơn dự kiến trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, và làm giảm bớt lo ngại thị trường về việc đột ngột rút các biện pháp hỗ trợ tiền tệ.
Ông Powell nói ông quyết tâm không để tình trạng lạm phát cao kéo dài. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed, bao gồm việc tăng lãi suất và giảm quy mô chương trình mua tài sản, là cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế. Những bình luận đó đã gây áp lực lên đồng USD và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ, nâng giá vàng lên mức tốt nhất trong gần một tuần.
Vàng được coi là công cụ hữu hiệu để chống lại lạm phát, song kim loại này cũng rất nhạy cảm với lãi suất tại Mỹ, khi điều này làm tăng chi phí nắm giữ vàng.
Theo chuyên gia Ilya Spivak của chuyên trang tài chính DailyFX (Mỹ), nếu lạm phát tăng nóng hơn dự kiến, giá vàng sẽ giảm trước những suy đoán Fed sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn.
Nhận định xu hướng: Đêm qua, giá dầu thô Nymex giao sau tăng mạnh lên quanh mức 81,75 USD/thùng trong khi chỉ số USD ổn định. Yếu tố này hỗ trợ khá tích cực cho thị trường kim loại.
Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá vàng tháng 2 có lợi thể kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn.
Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra giá đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc ở mức cao nhất trong tháng 1 là 1.850 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo đẩy giá vàng xuống dưới hỗ trợ kỹ thuật vững chắc cùng là mức thấp nhất trong tháng 1 là 1.781,30 USD/ounce.
 

Nguồn:Vinanet/VITIC