menu search
Đóng menu
Đóng

Giá vàng chiều ngày 14/10/2021 thế giới tăng mạnh, trong nước giảm nhẹ

16:59 14/10/2021

Giá vàng thế giới hôm nay tăng mạnh do giá năng lượng đang ngày càng tăng; ngược lại giá vàng trong nước giảm nhẹ, SJC ở mức 58,02 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước giảm nhẹ
Vào lúc 16h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 57,30 triệu đồng/lượng - bán ra 58,02 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua cả 2 chiều mua bán)
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 57,20 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng) - bán ra 57,95 triệu đồng/lượng (không đổi).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 57,40 triệu đồng/lượng - bán ra 58 triệu đồng/lượng (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 57,50 triệu đồng/lượng - bán ra 58 triệu đồng/lượng (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.789 – 1.798 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 14/10 giao dịch quanh ngưỡng 1.789 - 1.798 USD/ounce, tăng 31 USD/ounce so với hôm qua.
Theo Bộ Lao động Mỹ, dữ liệu lạm phát của Mỹ đã tăng hơn dự kiến trong tháng 9/2021, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4%, sau khi tăng 0,3% vào tháng 8/2021. Mức tăng này cao hơn dự đoán của các chuyên gia. Lạm phát hàng năm ở mức 5,4%, cao hơn so với mức 5,3% theo dự đoán.
Lạm phát cơ bản hàng tháng, bao gồm các chi phí thực phẩm và năng lượng tăng 0,2% trong tháng 9, sau khi tăng 0,1% vào tháng 8. Lạm phát cơ bản hàng năm cũng đạt mức kỳ vọng, ở mức 4%.
Giới phân tích cũng cho hay, giá vàng tăng còn do giá năng lượng đang ngày càng tăng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9%, giảm 0,1 điểm % so với dự báo trước đó ở mức 6%. Trong khi đó, giá năng lượng trên toàn cầu ngày càng nóng lên. Bloomberg đưa tin, nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông tăng cao sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt than và khí đốt tự nhiên. Áp lực mới nhất đối với nguồn cung năng lượng đến từ Trung Quốc khi các khu vực khai thác trọng điểm bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Giá năng lượng leo thang khiến giới đầu tư lo ngại lạm phát tại các quốc gia có nền kinh tế lớn gia tăng. Vì vậy, nhu cầu trú ẩn an toàn lại được đặt vào kim loại quý.
Chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak của DailyFX nhận định, giữa bối cảnh dữ liệu về chỉ số CPI của Mỹ tăng hơn dự kiến và biên bản cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 9/2021 sắp được công bố, vàng đang chờ đợi chất xúc tác nhằm định hướng giá.
CPI tăng cao hơn, Fed có thể sẽ thúc đẩy việc tăng lãi suất sớm hơn.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed ngày 12/10 cho biết, nền kinh tế số một thế giới đã hồi phục đủ để ngân hàng này bắt đầu rút dần các chương trình hỗ trợ trong thời kỳ khủng hoảng, qua đó củng cố kỳ vọng rằng Fed sẽ thực hiện việc này trong tháng tới. Trong khi đó, các thị trường tiền tệ đang tăng giá mạnh, do lãi suất tăng mạnh khi áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu.
Việc các ngân hàng trung ương giảm quy mô các chương trình kích thích kinh tế và tăng lãi suất có xu hướng đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ đi lên, dẫn đến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng cao hơn.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cao cấp của OANDA về châu Á-Thái Bình Dương nhận thấy, sự gia tăng tâm lý e ngại rủi ro trước mùa báo cáo thu nhập quý III/2021 của Mỹ cũng giúp giá vàng đứng vững. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, mối đe dọa về việc thu hẹp chương trình mua tài sản của Fed sẽ hạn chế đà phục hồi của vàng và giá vàng sẽ có chiều hướng giảm trong những tuần tới.

Nguồn:VITIC