Giá vàng trong nước tăng
Vào lúc 15h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 56,70 triệu đồng/lượng - bán ra 57,32 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,80 triệu đồng/lượng (tăng 150.000 đồng/lượng) - bán ra 57,35 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 56,70 triệu đồng/lượng - bán ra 57,30 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,90 triệu đồng/lượng (tăng 170.000 đồng/lượng) - bán ra 57,35 triệu đồng/lượng (tăng 150.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới 1.894 - 1.897 USD/ounce
Giá vàng thế giới hôm nay giao dịch quanh ngưỡng 1.894 - 1.897 USD/ounce, tăng 6 -10 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng thế giới đêm qua phục hồi mạnh từ ngưỡng 1.885 USD lên sát ngưỡng 1.895 USD/ounce. Lúc 22h45 đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới được giao dịch 1.894,3 USD/ounce, đảo chiều từ giảm mạnh thành tăng 1,3 USD (0,07%) so với thời điểm mở cửa.
Vàng phục hồi khi lực chốt lời giảm bớt. Nếu giữ được thành quả này, thị trường trong nước sẽ phục hồi theo. Liên quan tới sự phục hồi kinh tế Trung Quốc, thông tin đưa ra phiên hôm qua cho thấy xuất khẩu tháng 5 của nước này tăng 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu tháng 5 tăng 51,1%.
Trong tuần này, một số thông tin trên thị trường sẽ tác động đến giá vàng như Mỹ công bố CPI, tỉ lệ thất nghiệp… Theo dự báo, xu hướng tăng giá của vàng trong tháng 5 kéo sang tháng 6 vẫn còn nguyên. Các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ lợi suất Kho bạc Mỹ và lạm phát, với các thông tin chuẩn bị cho cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào ngày 16/6.
Hiện tại, các nhà đầu tư chuyển hướng chú ý sang báo cáo giá tiêu dùng của Mỹ và cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.
Theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), có nhiều yếu tố khiến các nhà đầu tư một lần nữa quay trở lại thị trường vàng. WGC cho biết, 61,3 tấn vàng đã chảy vào các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng (ETF) trong tháng 5/2021.
Các nhà phân tích tại WGC nhận định: "Vàng hiện đang đi ngang trong năm, tăng 13% trong 2 tháng qua. Chúng tôi tin rằng, nhu cầu đầu tư đã tăng lên và trực tiếp thúc đẩy kim loại quý
Mặc dù giá vàng đã không thể giữ được mức tăng của tháng trước trên 1.900 USD/ounce, nhưng WGC tiếp tục nhận thấy các yếu tố hỗ trợ cho kim loại quý này trong thời gian tới.
Adam Perlaky, chuyên gia phân tích cấp cao của WGC nói: “Vàng vẫn là một tài sản đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư khi thị trường tiếp tục được kiểm soát bởi áp lực lạm phát cộng với việc đồng USD suy giảm và lợi suất thực tế thấp hơn".
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov mới đây cũng thông báo Quỹ tài sản quốc gia (NWF) của Nga sẽ thay đổi tỷ trọng của đồng USD sẽ giảm từ 35% xuống 0% và cơ cấu của quỹ lần đầu tiên sẽ dự trữ thêm vàng (20%).
Các thị trường liên quan: Chỉ số đô la Mỹ tăng nhẹ; Giá dầu thô Nymex điều chỉnh nhẹ về quanh 69,25 USD/thùng sau khi chạm mức cao nhất trong 2,5 năm là 70 USD. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm dưới 1,6% khi được giao dịch quanh 1,58%.
Một thông tin được lưu ý đêm qua là các nhà đầu cơ đang gom mạnh các quyền chọn mua với mức giá 100 USD/thùng đối với dầu thô Brent và Nymex tương lai. Giới đầu tư kỳ vọng giá dầu sẽ vượt qua mốc 100 USD/thùng trong năm nay. Trong khi đó, hầu hết những nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường dầu mỏ đều cho rằng giá dầu thô trên sàn Nymex hiện ở mức 70 USD/thùng đã là cao.
Về mặt kỹ thuật, những nhà đầu cơ giá vàng tương lai tháng 8 vẫn có lợi thế kỹ thuật tổng thể vững chắc trong ngắn hạn trong bối cảnh xu hướng tăng giá đã kéo dài lên 9 tuần trên biểu đồ ngày. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc ở mức cao nhất trong tháng 6 là 1.919,2 USD. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.850 USD/ounce.
Nguồn:VITIC