menu search
Đóng menu
Đóng

Giá vàng ngày 13/3/2020 lao dốc mạnh

10:48 13/03/2020

Vinanet - Giá vàng thế giới giảm ngay sau khi Mỹ bất ngờ cấm toàn bộ các chuyến đi từ 26 nước châu Âu tới Mỹ trong vòng trong 30 ngày tới, trừ nước Anh; vàng trong nước cũng giảm mạnh, SJC còn 46,52 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước giảm mạnh
Vào thời điểm lúc 10h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 45,60 triệu đồng/lượng (giảm 1.300.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 46,52 triệu đồng/lượng (giảm 1.000.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 45,10 triệu đồng/lượng (giảm 1.350.000 đồng/lượng) - bán ra 46 triệu đồng/lượng (giảm 1.250.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 45,50 triệu đồng/lượng (giảm 1.400.000 đồng/lượng) - bán ra 46,30 triệu đồng/lượng (giảm 900.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 45,80 triệu đồng/lượng (giảm 1.200.000 đồng/lượng) - bán ra 46,40 triệu đồng/lượng (giảm 850.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới lao dốc
Lúc 7h30 sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 1.581,8 USD/ounce, tăng 5,4 USD (0,34%), đây là mức giá thấp nhất trong 5 tuần trở lại đây.
Giá vàng hôm nay cao hơn 23,9% (379 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 44 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 3,4 triệu đồng so với vàng trong nước.
Diễn biến lao dốc không phanh của giá vàng thế giới trong phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam đã thu hút sự chú ý của thị trường khi giá kim loại quý rơi mạnh từ ngưỡng 1.640 USD về ngưỡng 1.580 USD/ounce, giảm tới 60 USD (tương đương hơn 1,6 triệu đồng/lượng quy đổi). Có thời điểm giá vàng đã chạm 1.560,6 USD/ounce trước khi phục hồi và đóng cửa sát ngưỡng 1.580 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 giảm tới 43,2 USD xuống còn 1.598,70 USD/ounce cuối phiên đêm qua. Đây là phiên giảm giá thứ 4 liên tiếp của giá vàng trong tuần này với mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm qua (tính theo phiên), mạnh hơn cả phiên lao dốc ngày 28/2 vừa qua.
Giá vàng thế giới lao dốc mạnh trong một khoảng thời gian ngắn như một sự kiện hy hữu trong bối cảnh gần như tất cả các kênh đầu tư rủi ro khác cũng sụt giảm mạnh. Đây là một diễn biến bất thường nhưng là hợp lý ở thời điểm này.
Vàng sụt giảm giá ngay sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ cấm toàn bộ các chuyến đi từ 26 nước châu Âu tới Mỹ trong vòng trong 30 ngày tới, trừ nước Anh, để ngăn chặn dịch Covid-19. Theo đó, những hạn chế này không chỉ áp dụng với khối lượng lớn thương mại và hàng hóa, mà còn nhiều thứ khác khi lệnh cấm được thông qua.
Một số đại sứ châu Âu tại Mỹ thừa nhận họ "không biết gì", "không có dấu hiệu báo trước nào" về lệnh cấm mà chính quyền Tổng thống Trump thông báo tại Nhà Trắng. Các quan chức ngoại giao Mỹ cũng không rõ chính xác những gì ông Trump định triển khai.
Ngay sau lệnh cấm của ông Trump, thị trường tài chính thế giới hỗn loạn, chứng khoán châu Á và châu Âu lao dốc. Nhiều chỉ số mất tới 5-8%. Chỉ số DAX tại Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt rớt 7%, xuống tới mức thấp nhất kể từ năm 2016. Trong khi đó, chỉ số CAC 40 tại Pháp mất hơn 8%.
Chứng khoán Mỹ mở cửa phiên giao dịch ngày 12/3 cũng giảm mạnh, chỉ số Dow Jones mất gần 1.700 điểm. Chứng khoán Mỹ lần thứ 2 trong tuần này tạm ngừng giao dịch theo cơ chế tự ngắt vì giảm quá mạnh.
Trong bối cảnh giới đầu tư đổ xô bán tháo cổ phiếu không được thì vàng trở thành nạn nhân. Vàng được nhiều tổ chức và cá nhân mang ra bán trong bối cảnh mà họ không thể bán được cổ phiếu.
Một kịch bản tồi tệ đã xảy ra. Khi mà bạn không thể bán cái mình muốn bán, thì bạn sẽ bán những gì có thể bán. Nhiều người buộc phải bán vàng để tránh bị call margin trên thị trường chứng khoán. Đây là một diễn bất thường, không theo quy luật khi thị trường tài chính bất ổn thì giới đầu tư tìm đến vàng. Đây cũng là lần thứ 2 trong tháng này, sự bất thường này xảy ra.
Vàng giảm mạnh trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa bơm một lượng tiền lớn vào thị trường để hỗ trợ thanh khoản thị trường tài chính. Một số ý kiến nhận định rằng, Fed đang sử dụng một số biện pháp hỗ trợ thị trường đã được cơ quan này áp dụng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, về phía chính quyền Trump, văn phòng Tổng thống vẫn thông báo không có gói kích thích kinh tế lớn nào. Điều này đã khiến thị trường cổ phiếu Mỹ hoảng loạn.
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều lao dốc, riêng chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones (DJIA) chứng kiến ngày tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ sự kiện sụp đổ thị trường năm 1987 khi giảm tới 2.352,60 điểm xuống 21.200,62 điểm. Các chỉ số khác cũng giảm hơn 20% so với mức đỉnh trong tháng trước: Chỉ số S&P 500 giảm 260,74 điểm xuống 2.480,64 USD và chỉ số NASDAQ giảm 750,25 điểm còn 7.201,80 điểm.
Các giao dịch chỉ số hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán nước này còn bị tạm ngừng.
Còn tại Châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu trong cuộc họp hôm thứ Năm đã công bố các biện pháp kích thích chính sách tiền tệ để chống lại các tác động kinh tế tiêu cực do Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, các động thái chỉ được coi là “làm ấm” thị trường bởi lãi suất ECB đã ở dưới 0% trong khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội khu vực đồng Euro được cho là sẽ giảm 1,2% trong năm 2020.
Phiên hôm qua, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã quay đầu giảm 0,69% trong khi giá dầu thô trên sàn Nymex tiếp tục giảm mạnh xuống quanh 31,75 USD/thùng đêm qua.
Về mặt kỹ thuật, giá vàng kỳ hạn tháng 4 đã chạm mức thấp trong 5 tuần. Dù xu hướng tăng vẫn chiếm lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn nhưng xu hướng tăng giá bốn tháng trên biểu đồ ngày đã bị xóa.
Mức kháng cự đầu tiên mà giá kim loại quý phải đối mặt là 1.600 USD và sau đó là 1.619,6 USD. Ngược lại, ngưỡng hỗ trợ đầu tiên là mức thấp nhất phiên đêm qua 1.560,4 USD, tiếp đó là 1.550 USD/ounce.

Nguồn:VITIC