So với giá cuối ngày trước đó, giá mua vào đứng yên nhưng giá bán ra tăng thêm 150.000 đồng/lượng. Điều này khiến chênh lệch mua bán của SJC tăng thêm đến 1,1 triệu đồng/lượng. Tương tự, hệ thống Doji tăng thêm 100.000 đồng ở cả hai chiều mua và bán, lên 55,7 - 56,6 triệu đồng/lượng...
Đầu ngày, giá vàng thế giới tăng mạnh lên 1.964,8 USD/ounce, hợp đồng vàng giao tháng 12 tăng 1,96% lên 1.970 USD/ounce. Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương 55,12 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí), thấp hơn 1,8 triệu đồng/lượng so với vàng trong nước.
Theo Reuters, giá vàng đã phục hồi hơn 2% vào ngày 28.8 chỉ sau 1 ngày bán tháo mạnh do đồng USD suy yếu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo một chiến lược lãi suất thấp kéo dài. Nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, việc Fed có thể cho phép lạm phát vượt quá mục tiêu 2% chứng tỏ chính sách tiền tệ lỏng lẻo. Lãi suất thấp có xu hướng hỗ trợ vàng, đây cũng là tài sản nhiều nhà đầu tư lựa chọn phòng chống lạm phát và giảm giá tiền tệ.
Bên cạnh đó, đồng yên (JPY) tăng 1,1% sau thông tin Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từ chức do tình hình sức khỏe ngày càng xấu đã đẩy USD đi xuống cũng hỗ trợ giá vàng đi lên. Ông George Gero, Giám đốc quản lý tại quỹ RBC Wealth Management, nhận định với CNBC rằng vàng tiếp tục được xem là sự lựa chọn trú ẩn an toàn khi ở đâu nhà đầu tư cũng thấy những nỗi lo. Những lo ngại xung quanh kinh tế toàn cầu và đại dịch kết hợp với những vấn đề mới, chẳng hạn như việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức và cuộc bầu cử sắp tới...
Từ đầu năm đến nay, các quốc gia đã nhiều lần đưa ra những gói cứu trợ lớn và chính sách tiền tệ nới lỏng để nhanh chóng phục hồi kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 diễn ra, giúp vàng tăng giá 28%.
Nguồn:Thanh niên online