menu search
Đóng menu
Đóng

Giá vàng ngày 4/3/2020 tiếp tục tăng mạnh vượt mốc 47 triệu đồng/lượng

10:54 04/03/2020

Vinanet - Giá vàng thế giới lại tăng phi mã khi thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh, vàng trong nước cũng tăng rất mạnh, SJC lên 47,22 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh
Vào thời điểm lúc 10h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 46,55 triệu đồng/lượng (tăng 650.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 47,22 triệu đồng/lượng (tăng 800.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 46,10 triệu đồng/lượng (tăng 600.000 đồng/lượng) - bán ra 47,35 triệu đồng/lượng (tăng 1.000.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 46,80 triệu đồng/lượng (tăng 800.000 đồng/lượng) - bán ra 47,30 triệu đồng/lượng (tăng 900.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 46,86 triệu đồng/lượng (tăng 810.000 đồng/lượng) - bán ra 47,36 triệu đồng/lượng (tăng 910.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại
Giá vàng thế giới lại tăng phi mã trong phiên giao dịch đêm qua khi thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh. Cụ thể, đêm qua giá vàng thế giới đã tăng vọt hơn 40 USD/ounce (hơn 1,1 triệu đồng/lượng quy đổi) từ ngưỡng 1.600 USD lên ngưỡng 1.640 USD và chốt phiên ở trên mức này, đây là phiên tăng giá thứ hai liên tiếp của giá vàng thế giới. Mức tăng của hai phiên này cộng lại cũng gần tương đương mức sụt giảm kinh khủng ngày 28/2 vừa qua.
Đến 10h30 sáng nay, vàng lên mức 1.642 USD/ounce. Giá vàng hôm nay cao hơn 24,9% (319 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 44,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 2,1 triệu đồng so với vàng trong nước.
Nhu cầu mua vàng tăng mạnh khi đêm qua Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,5% xuống còn biên độ từ 1,0-1,25%. Đây là mức giảm lãi suất lớn nhất của Fed kể từ năm 2008. Quyết định mang tính khẩn cấp này nhằm ứng phó với nguy cơ dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới (COVID-19) tác động đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã bất ngờ với quyết định này và ngay lập tức lao dốc. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tháng 4 đã tăng tới 51,20 USD/ounce (hơn 1,4 triệu đồng/lượng quy đổi) lên 1.645,90 USD.
Như vậy, tới thời điểm này các cơ quan, tổ chức và ngân hàng lớn đã vào cuộc chống lại tác động của Covid-19 gồm: Fed, Ngân hàng trung ương Úc, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, G7… cho thấy mức độ nghiêm trọng mà đại dịch gây ra với kinh tế thế giới dù tới nay vẫn chưa lượng hóa hết tác động.
Thêm thông tin gây chú ý trong phiên đêm qua là vấn đề quan hệ thương mại Mỹ - Trung vốn bị ngưng lại sau khi dịch Corona bùng phát. Hôm qua theo giờ địa phương, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tuyên bố Mỹ không xem xét giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây cũng được coi là biện pháp đối phó với chủng mới của virus Corona đang lây lan nhanh. Tuy nhiên, Mỹ sẽ cân nhắc mọi phương án khi tình hình tiến triển.
Về mặt kỹ thuật, giá vàng kỳ hạn tháng Tư đã chốt phiên ở mức gần cao nhất phiên và lấy lại toàn bộ khoản lỗ trong phiên thứ 6 tuần trước (28/2).
Xu hướng tăng giá 3,5 tháng tiếp tục được củng cố. Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự kỹ thuật vững chắc ở mức cao nhất trong tháng 2 là 1.691,70 USD/ounce. Ngược lại, mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo đang đẩy giá xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc cũng là mức thấp nhất tuần trước là 1.564 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh sau cú sụt giảm vào tuần trước. Vàng tăng giá chủ yếu do mặt hàng kim loại quý vẫn được xem là kênh trú bão trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước đồng loạt có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ.
Hầu hết các ông lớn như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh, Nhật… đều đã đưa ra những gợi ý về sự thay đổi chính sách tiền tệ trong các cuộc họp sắp tới. Làn sóng cắt giảm lãi suất đã rõ hơn bao giờ hết và là lực đẩy mạnh cho mặt hàng kim loại quý.
Hôm 3/2, Ngân hàng Dự trữ Australia - Ngân hàng Trung ương của Úc (RBA) đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản bớt 25 điểm phần trăm xuống mức thấp kỷ lục mới: 0,5%, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ngày càng đe dọa trực tiếp đến nền kinh tế thế giới và nước này.
Trước đó, TTCK Úc đã chứng kiến những phiên tụt giảm mạnh và vốn hóa của thị trường này đã bốc hơi khoảng 130 tỷ USD. Đồng đô-la Úc xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên gần đây.
Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng vừa đưa ra tuyên bố cho biết Fed sẽ “hành động phù hợp” để hỗ trợ nền kinh tế. Các tín hiệu trên thị trường cho thấy, Fed có thể giảm lãi suất 50 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 17-18/3 tới. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng cũng sẽ giảm lãi suất trong tuần tới.
Chính phủ Đức cũng cho biết đã sẵn sàng khởi động gói kích thích tài khóa của nước này nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật cũng sẽ có “những biện pháp cần thiết” để bình ổn thị trường tài chính. Trước đó, Trung Quốc đã giảm lãi suất và bơm một lượng tiền lớn vào thị trường.
Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã lan rộng trên phạm vi toàn cầu và tác động mạnh tới nền kinh tế thế giới. Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã khiến kinh tế ở nhiều khu vực đình trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngắt quãng và hệ thống tài chính thế giới bị đe dọa. TTCK trong tuần trước đã chứng kiến những phiên sụt giảm liên tục và vốn hóa trên các thị trường bốc hơi khoảng 5 ngàn tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, đà tăng của vàng bị hạn chế khi các nhà máy của Trung Quốc đang nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu và chứng khoán nhiều nơi, trong đó có Mỹ hồi phục trở lại.
Các tín hiệu kỹ thuật cho thấy, xu hướng tăng giá của vàng vẫn còn mạnh. Hiện vàng đang giao dịch ở quanh mức 1.600 USD. Nếu vượt lên trên 1.610 USD/ounce, thì động lực tăng sẽ mạnh hơn với mục tiêu là mức kháng cự chính 1.700 USD.
Giá vàng tăng mạnh, lấy lại toàn bộ khoản lỗ lớn thứ Sáu tuần trước. Nhu cầu tiết kiệm được đề cao hôm nay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện động thái mạo hiểm và đáng ngạc nhiên khi cắt giảm lãi suất chủ chốt của Mỹ 0,5%. Cục Dự trữ Liên bang đã hạ lãi suất chuẩn của mình, để chống lại các tác động kinh tế tiêu cực của sự bùng phát virus corona đưa lãi suất về mức 1 - 1,25%. Động thái tích cực của Fed ban đầu khiến chỉ số chứng khoán Mỹ tăng mạnh, nhưng họ đã đạt được những mức cao đó và đạt mức thấp hàng ngày mới. Động thái của ngân hàng trung ương Mỹ là rất rủi ro, vì nó có thể gây ra sự sợ hãi nhiều hơn trên thị trường. Thoạt nhìn, động thái của Fed không được coi là trấn an cho các nhà giao dịch và nhà đầu tư, và đó là điều khiến giá vàng tăng mạnh. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 đã tăng 51,2 USD/ounce ở mức 1.645,9 USD.
Trong khi Covid-19 có dấu hiệu đã giảm tốc độ lây lan ở Trung Quốc, thì lại đang gia tăng tại Hàn Quốc, Ý và các quốc gia khác. Nhiều trường hợp nhiễm bệnh vừa được phát hiện ở Mỹ. Thị trường lo lắng sâu sắc hơn về những tổn thất các nền kinh tế lớn trên thế giới đang hứng chịu và chú ý vào các giải pháp ngăn chặn thiệt hại kinh tế. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng tác động bùng phát của bộ máy đối với các nền kinh tế toàn cầu sẽ nghiêm trọng nhưng thời gian tác động sẽ ngắn.

Nguồn:VITIC