Sau một tuần đan xen tăng giảm trái chiều, thị trường vàng vẫn ghi nhận kết quả tích cực và đánh dấu tuần tăng giá thứ ba liên tiếp khi vẫn còn nhiều lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế trong năm mới.
Mở đầu tuần mới trong phiên 20/12, giá vàng thế giới đi xuống sau một phiên biến động liên tục trong biên độ hẹp khi giới đầu tư đo lường tác động của biến thể Omicron và lạm phát đối với kế hoach thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Phiên này, giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,6% và được giao dịch ở mức 1.793,90 USD/ounce.
Đà giảm của giá vàng thế giới lan sang phiên ngày 21/12, giữa lúc đồng USD phục hồi phần nào giá trị đã mất và nhu cầu tài sản rủi ro "quay trở lại". Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3% xuống 1.788,70 USD/ounce.
Sang phiên 22/12, giá vàng thế giới đảo chiều tăng 0,8% lên 1.802,20 USD/ounce do đồng USD yếu và thị trường lo ngại rằng biến thể Omicron có thể cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Giá vàng tiếp tục đi lên khi giới đầu tư còn nhiều lo ngại về sự lây lan biến thể Omicron. Kết thúc phiên 23/12, giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,53% lên 1.811,7 USD/ounce.
Do thị trường đóng cửa nghỉ lễ Giáng sinh ngày 24/12, giá vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch với mức tăng 0,4%. Dù vậy, tính từ đầu năm tới nay, vàng đang hướng tới mức giảm 4,4%.
Ông Ed Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới OANDA (Mỹ), dự đoán sự biến động của giá vàng có thể sẽ kéo dài đến cuối năm trước khi giá kim loại quý này củng cố ở trên ngưỡng 1.800 USD/ounce vào khoảng tháng sau.
Trong thời gian tới, giá vàng sẽ gặp nhiều bất lợi khi ngân hàng trung ương nhiều nước bắt đầu nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Dù vàng được xem là một biện pháp phòng trừ rủi ro trước lạm phát gia tăng và những thời kỳ bất ổn, nhưng việc nâng lãi suất sẽ làm tăng cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng sự bất ổn liên quan đến biến thể Omicron có thể khiến các ngân hàng trung ương ủng hộ chính sách nới lỏng tiền tệ hơn trong năm 2022, từ đó hỗ trợ cho giá vàng.
Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures nhận định rằng năm tới chắc chắn sẽ có lợi cho giá vàng, đặc biệt khi lạm phát cao có khả năng tiếp diễn.
Dù vậy, một số chuyên gia lưu ý danh tiếng của vàng như một hàng rào đáng tin cậy trong việc chống lại lạm phát đang gặp rủi ro, khi các nhà đầu tư tìm thấy các lĩnh vực khác của thị trường có thể giúp họ tránh tác động từ giá tăng.
Tại một chương trình mới đây của hãng tin CNBC, chuyên gia đầu tư Nancy Tengler của công ty dịch vụ tư vấn tài chính Laffer Tengler Investments lưu ý rằng kim loại quý này đã không tạo ra lợi nhuận tích cực trong thời kỳ lạm phát kéo dài kể từ những năm 1970, dựa trên dữ liệu từ nền tảng phân tích đầu tư Morningstar Direct.
Bà nói thêm rằng kể từ khi Bộ Lao động Mỹ báo cáo lạm phát của nước này đã tăng ở mức cao nhất tính từ năm 1982 vào tháng 11 vừa qua, giá vàng chỉ tăng khoảng 1%.
Theo đánh giá từ chuyên gia của Laffer Tengler Investments, hàng rào lạm phát thực sự nằm trong phân khúc ủy thác đầu tư bất động sản và bất động sản của thị trường cũng như chứng khoán nói chung.
Bên cạnh đó, nếu đồng USD tiếp tục suy yếu, giá vàng chắc chắn sẽ có một số chuyển động. Nhưng một số kim loại khác thực sự có thể là kênh đầu tư tốt hơn, vì xu hướng cắt giảm phát thải carbon và chuyển dịch sang năng lượng xanh đang mở rộng hơn.
Còn theo nhà phân tích kỹ thuật cấp cao Craig Johnson của ngân hàng đầu tư Piper Sandler, kịch bản duy nhất mà trong đó vàng có thể chứng minh là một “hàng rào” thành công là nước Mỹ in quá nhiều tiền.
Song ông Johnson cho hay vàng không phải là một “hàng rào” chống lạm phát tuyệt vời vào thời điểm hiện tại. Thậm chí, ông đánh giá bitcoin hay bất động sản sẽ đóng vai trò này tốt hơn.
Chuyên gia của Piper Sandler nói thêm rằng 1.850 USD/ounce sẽ là ngưỡng quan trọng để thị trường theo dõi khi giá vàng được củng cố./.
Nguồn:H.Thủy (Tổng Hợp)/BNEWS