Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ đã khiến thị trường sửng sốt khi cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 943.000 công việc mới trong tháng 7, vượt xa mức dự báo 870.000 công việc mới mà các chuyên gia đưa ra trước đó. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 5,4%, thấp hơn dự báo và là mức thấp nhất trong 16 tháng.
“Số liệu việc làm này thúc đồng USD tăng giá và đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên cao hơn, theo đó khiến vàng sụt giá”, nhà môi giới hàng hoá cao cấp Daniel Pavilonis nhận định.
Ông Pavilonis cho rằng với tình hình hiện nay của thị trường việc làm tại Mỹ, vàng không còn nhiều cơ hội tăng giá trong thời gian trước mắt. Ông cho rằng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell có thể bắt đầu phát tín hiệu cắt giảm chương trình mua tài sản ngay vào cuối tháng 8 này.
"Giá vàng sẽ tiếp tục đương đầu với áp lực bán tháo sau báo cáo việc làm, vì nhiều nhà đầu tư cho rằng Fed có điều kiện thuận lợi để bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản từ đầu năm 2022 hoặc thậm chí từ tháng 12/2021".
Ông Bart Melek, chiến lược gia trưởng của TD Securities
“Chỉ số Dollar Index có thể tăng lên mức 95 điểm. Đối với vàng, điều này có có nghĩa là giá có thể rớt về 1.673 USD/oz. Vàng có thể tiếp tục giảm sâu hơn. Các nhà đầu tư có thể bán vàng nhiều hơn”, ông Pavilonis nói. “Báo cáo việc làm cũng cho thấy tiền lương tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống, mọi người đi tìm việc làm nhiều hơn. Một khi gói trợ cấp thất nghiệp Covid-19 kết thúc vào tháng 9, tình hình thị trường việc làm còn cải thiện hơn nữa”.
Chủ tịch Kevin Grady của Phoenix Futures and Options thì nói rằng một ngưỡng then chốt mà giá vàng cần giữ vững là 1.754 USD/oz. Nếu giữ được mốc này, “giá vàng có thể tăng trở lại. Nhưng tôi không cho rằng giá vàng sẽ tăng. Giá vàng đã có một môi trường rất thuận lợi để bùng nổ, nhưng không, giá vàng đã không thể vượt được 2.000 USD/oz”, ông Grady nói.
Ông Bart Melek, chiến lược gia trưởng của TD Securities, đánh giá đây có thể chỉ là một bước lùi tạm thời của giá vàng, nhưng giá kim loại quý này vẫn có khả năng giảm dưới 1.730 USD/oz.
“Giá vàng sẽ tiếp tục đương đầu với áp lực bán tháo sau báo cáo việc làm, vì nhiều nhà đầu tư cho rằng Fed có điều kiện thuận lợi để bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản từ đầu năm 2022 hoặc thậm chí từ tháng 12/2021. Kỳ vọng này đồng nghĩa với lợi suất trái phiếu tăng, gây sức ép lên giá vàng”, ông Melek phát biểu.
Dù vậy, ông Melek cho rằng sự lây lan của biến chủng Delta trên toàn cầu là một yếu tố hỗ trợ giá vàng. “Khó có chuyện vàng tiếp tục bị bán tháo ồ ạt vào thời điểm hiện nay, vì đang có những tin xấu về biến chủng Delta".
Theo ông Melek, trong dài hạn, giá vàng có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi lạm phát vẫn còn cao hơn mục tiêu của Fed và chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed vẫn đang duy trì. “Lợi suất thực của trái phiếu sẽ còn âm trong một thời gian dài. Thị trường sẽ tin rằng Fed sẵn sàng giữ điều kiện nới lỏng trong một thời gian cho tới khi mọi thứ hoàn toàn bình thường trở lại. Giá vàng sẽ ổn”, ông nói.
Với cái nhìn bi quan hơn, nhà phân tích cấp cao Edwad Moya của Oanda cho rằng phiên giảm mạnh vào ngày thứ Sáu đã đẩy giá vàng vào một vùng nguy hiểm. “Giá vàng có thể tìm được sự hỗ trợ ở mốc 1.750 USD/oz, nhưng nếu mốc giá đó bị phá vỡ, giá vàng có thể rớt về ngưỡng tâm lý 1.700 USD/oz”, ông Moya nói.
Diễn biến giá vàng thế giới trong 1 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading View.
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong thời gian tới sẽ là hội nghị thường niên của Fed tại Jackson Hole, Wyoming vào cuối tháng 8. Giới phân tích tin rằng ông Powell sẽ nhân hội nghị này để bắt đầu vạch ra kế hoạch cắt giảm chương trình mua tài sản.
“Nhiều khả năng ông Powell sẽ dùng hội nghị Jackson Hole để dọn đường cho việc Fed chính thức công bố cắt giảm chương trình mua tài sản vào tháng 9. Và việc cắt giảm có thể sẽ triển khai từ cuộc họp cuối năm của Fed diễn ra vào tháng 12”, chiến lược gia trưởng Nicky Shiels của MKS Pamp Group nhận định.
Tuần tới, các dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ sẽ tiếp tục giữ vai trò chi phối diễn biến giá vàng. Trong đó, đáng chú ý nhất sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố vào ngày thứ Tư và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) công bố vào ngày thứ Năm.
“Các quan chức có quan điểm mềm mỏng trong Fed cho rằng không nên lo nhiều đến tình hình lạm phát hiện này. Họ nói áp lực tăng giá cả chủ yếu tập trung vào một số ít nhóm mặt hàng như ô tô cũ và những lĩnh vực chịu sự tác động từ việc nền kinh tế mở cửa trở lại. Nhưng chúng tôi không tin như vậy và cho rằng sức ép giá cả sẽ lan rộng ra nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ, xét đến những hạn chế về nguồn cung đang diễn ra, bao gồm tình trạng thiếu lao động phù hợp và nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ - một kết quả của chính sách kích cầu”, chuyên gia kinh tế trưởng James Knightley của ING nhận định.
Nguồn:Điệp Vũ/VnEconomy