Than đá đã trở thành "người chiến thắng thầm lặng" trong số các mặt hàng năng lượng. Mặc dù không thu hút nhiều sự chú ý như dầu thô hay khí tự nhiên hóa lỏng – những mặt hàng cao cấp hơn - nhưng than lại được hưởng lợi bởi nhu cầu gia tăng mạnh mẽ.
Giá cả than nhiệt (dùng cho các nhà máy nhiệt điện) và than luyện cốc (dùng sản xuất thép) những tháng gần đây đều tăng mạnh, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ Trung Quốc, nước nhập khẩu và tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới, với nhu cầu tăng mạnh khi nền kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19 và chính sách hạn chế nhập khẩu than Australia.
Giá than luyện cốc (coking coal) kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên phiên 20/7 có thời điểm tăng 3,2% lên 2.098 nhân dân tệ (323,54 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 13/5, kết thúc phiên vẫn tăng 2% so với đóng cửa phiên liền trước, đạt 2.074 nhân dân tệ/tấn. Tương tự, giá than cốc (coke) cũng tăng 2,6% lên 2.738 nhân dân tệ/tấn.
"Tỷ lệ sử dụng công suất của các công ty luyện cốc đang tăng lên, nhưng chưa phục hồi về mức trước khi Chính phủ áp dụng các biện pháp kiểm soát sản lượng, và cũng thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước", thông tin từ SinoSteel Futures cho biết.
Theo đó, sản lượng than cốc của Trung Quốc trong tháng 6 giảm 3,2% so với một năm trước đó, xuống 38,91 triệu tấn.
Tiêu thụ than nhiệt điện tăng vọt
Một đợt nắng nóng đang xảy ra ở khắp những tỉnh sản xuất công nghiệp lớn nhất của Trung Quốc, đẩy mức tiêu thụ điện tại các địa phương này tăng lên mức cao chưa từng có trong lịch sử, là nguyên nhân chính đẩy giá than tăng mạnh gần đây. Tiêu thụ điện ở Trung Quốc tháng 6 cao hơn gần 10% so với cùng kỳ năm trước, và tiếp tục tăng trong tháng 7.
Tờ State Grid cho biết, lần đầu tiên phụ tải điện ở tỉnh Chiết Giang, gần Thượng Hải, đã vượt 100 triệu kilowatt/giờ. Tình trạng phụ tải điện cao kỷ lục cũng xảy ra ở Giang Tô gần đó và khu vực phía nam của Quảng Đông, nơi nhiệt độ đã lên tới 37 độ C.
Nhu cầu than đá tăng quá cao đã thúc đẩy giá than nhiệt (thermal coal) kỳ hạn tương lai tại Trung Quốc chỉ trong một thời gian ngắn tăng vọt lên mức cao kỷ lục 2 tháng, là 900 nhân dân tệ/tấn, tăng 30% so với đầu năm nay.
Giá than nhiệt Australia tháng 7 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ, là 115,35 USD/tấn, cao hơn mức 100,33 USD/tấn vào tháng 6 và cao nhất kể từ khi đạt 117,6 USD/tấn vào tháng 5/2011, theo dữ liệu của Refinitiv.
Đáng lo ngại là tình trạng thời tiết nóng sẽ còn tiếp diễn.
Nhà phân tích Wang Haitao của công ty Huatai Futures Co. cho biết: "Miền Nam Trung Quốc rất nóng và lượng điện phụ tải hàng ngày liên tục phá vỡ kỷ lục để lập những mức cao mới. Mặc dù nguồn cung than đã tăng lên, nhưng cung than không thể tăng mãi. Một số khu vực lại đang hạn chế sử dụng điện và đưa ra cảnh báo về việc sử dụng than đá ".
Áp lực đối với các nguồn điện của Trung Quốc đang gia tăng khi bắt đầu vào mùa hè – một mùa hè mà các nhà khí tượng học cho biết có thể nóng hơn bình thường.
Kết hợp với yếu tố thời tiết là việc kinh tế Trung Quốc twang trưởng mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, khi các nhà máy khôi phục hoạt động sau đại dịch, nhu cầu điện do đó càng tăng cao.
Nhu cầu than luyện kim loại tăng cao
Xu hướng giá than luyện kim (than cốc, than luyện cốc) tăng bắt đầu từ giữa quý II và dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những tháng cuối năm nay, khi cán cân cung – cầu trên toàn cầu thắt chặt.
Nhu cầu đối với than luyện cốc của Australia trong quý II năm nay tăng mạnh không phải bởi Trung Quốc, mà do các khách hàng khác, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Theo Platts, khối lượng giao dịch than luyện cốc (hợp đồng giao ngay, FOB) của Australia trong 6 tháng đầu năm đã tăng mạnh, 279%, so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt tăng cao trong giai đoạn từ cuối quý I đến đầu quý II.
Tính đến cuối tháng 6, Châu Âu chiếm 18% tổng khối lượng than giao ngay xuất khẩu của Australia, bao gồm nhiều chủng loại như: than luyện cốc cao cấp, than luyện cốc cứng (hard coking coal – HCC), than nghiền thành bột (PCI)…Được biết, Châu Âu tăng cường nhập khẩu than Australia bởi hai nguyên nhân: (1) giá than Australia rẻ hơn than Mỹ, và (2) bất đồng giữa Australia với Trung Quốc khiến Australia chuyển hướng sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, nguồn cung than giao ngay của Australia cũng không bắt kịp nhu cầu kể từ cuối quý II năm nay. Theo dữ liệu của S&P Global Platts, chỉ có 13 hợp đồng giao dịch than HCC cao cấp của Australia trong nửa đầu tháng 7, so với 43 hợp đồng giao dịch trong tháng 6/2020 và 26 hợp đồng tháng 7/2020. Các thương hiệu than cứng nổi tiếng của Australia như Peak Downs và Goonyella đều đang thiếu nguồn cung, đẩy giá chào bán tăng vọt.
Than đá Indonesia hưởng lợi khi Trung Quốc – Austrlia bất đồng
Cán cân cung – cầu than đá thế giới thiếu hụt và cuộc chiến giữa Trung Quốc với Australia đã khiến Trung Quốc tăng cường nhập khẩu than Indonesia, đẩy giá tăng mạnh.
Indonesia là nước xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới.
Chỉ số hàng tuần đối với than Indonesia (loại có giá trị năng lượng là 4.200 kcal/kg đã tăng gần 3/4 từ mức thấp nhất năm nay là 36,81 USD/tấn lên 63,98 USD trong trong tuần đến ngày 2/7, theo thông tin từ Argus.
Dữ liệu từ các nhà phân tích hàng hóa Kpler cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 18,36 triệu tấn than nhiệt Indonesia trong tháng 6, cao thứ nhì kể từ tháng 1/2017 và chỉ thấp hơn mức 25,64 triệu tấn của tháng 12 năm ngoái. Theo dữ liệu của Refinitiv thì nhập khẩu than Trung Quốc từ Australia trong tháng 6 cũng cao kỷ lục thứ 2 kể từ tháng 1/2015.
Năm ngoái, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận trị giá khoảng 1,5 tỷ USD để mua than nhiệt của Indonesia.
Cả Kpler và Refinitiv đều cho biết nhập khẩu than của Trung Quốc từ Australia đã giảm xuống gần 0, từ mức khoảng 7-8 triệu tấn mỗi tháng trước khi lệnh cấm không chính thức của Bắc Kinh được áp dụng vào giữa năm ngoái.
Tổng lượng than nhập khẩu của Trung Quốc từ tất cả các nước trong tháng 6 là 31,55 triệu tấn theo dữ liệu của Kpler, và 25,21 triệu theo dữ liệu của Refinitiv.
Giá than luyện cốc Australia FOB quý II đã tăng 72% so với quý I lên 194 USD/tấn, còn giá giao đến Trung Quốc (CFR) trong cùng khoảng thời gian đó tăng 43%, phiên 30/6 đạt 309 USD/tấn.
Nguồn:nhipsongkinhte.vn