Theo ông Luo Tiejun, Phó chủ tịch Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc, Trung Quốc đặt mục tiêu “cơ bản” giải quyết vấn đề thiếu hụt nguyên liệu sản xuất thép trong vòng 10-15 năm tới, gọi đó là “kế hoạch nền tảng”.
Kế hoạch đó được thiết kế để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho ngành thép trong thời gian trung và dài hạn. Cơ quan thép cho biết vào tháng 1 họ đã đệ trình kế hoạch này lên Cục kế hoạch hóa nhà nước, Bộ công nghiệp, Bộ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Theo ông Luo,Trung Quốc đề xuất nâng tỷ trọng sản xuất quặng sắt ở nước ngoài từ 120 triệu tấn vào năm 2020 lên 220 triệu tấn vào năm 2025. Họ cũng đặt mục tiêu tăng sản lượng tiêu thụ quặng sắt trong nước từ 100 triệu tấn lên 370 triệu tấn, và tăng tiêu thụ thép phế liệu từ 70 triệu tấn lên 300 triệu tấn trong cùng kỳ.
“Việc thăm dò quặng sắt trong nước nằm trong “kế hoạch nền tảng” không chỉ liên quan đến tài nguyên mà còn cả khả năng cạnh tranh,” ông Lou nói và cho biết thêm rằng giá thành một số loại quặng sắt ở Trung Quốc được giữ dưới 60 USD/tấn.
Ông nói: “Điều quan trọng là chủ trương được chấp thuận và nhận được sự hỗ trợ về chính sách.
Giá quặng sắt với hàm lượng sắt 62% nhập khẩu vào Trung Quốc ở mức 139,5 USD/tấn vào thứ Hai (28/2), theo công ty tư vấn SteelHome.
Hiệp hội thép đã đề xuất kế hoạch này sẽ được thực hiện bởi các tập đoàn thép như Tập đoàn Baowu Steel, Tập đoàn Ansteel, Tập đoàn Shougang, cũng như các tập đoàn kim loại quốc tế như China Minmetals, China Metallurgical News cho biết.
Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, tiêu thụ hơn một tỷ tấn quặng sắt mỗi năm, với hơn 80% là từ nhập khẩu. Quốc gia này đã và đang khuyến khích các công ty đầu tư vào các mỏ quặng sắt trong và ngoài nước để đảm bảo nguồn nguyên liệu và có được quyền định giá.
Hợp đồng quặng sắt giao dịch trên Đại Liên đã tăng 5% từ đầu năm đến nay, hiện ở mức 730 nhân dân tệ (115,66 USD)/tấn, sau khi Bộ kế hoạch nhà nước tổ chức các cuộc họp với những người tham gia thị trường để thuyết phục họ tránh tích trữ và đầu cơ.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters)