Quặng sắt, một trong những mặt hàng “nóng” nhất trong những ngày đầu của đợt tăng giá vừa qua của nguyên liệu thô, giờ trở thành mặt hàng biến động mạnh nhất thế giới khi cả phe lạc quan và bi quan “ngang tài ngang sức” trên thị trường.
Giá quặng sắt, nguyên liệu quan trọng đối với ngành công nghiệp thép khổng lồ của Trung Quốc, tăng lên mức kỷ lục, rồi rơi vào thị trường giá xuống và sau đó trở lại thị trường giá lên chỉ trong khoảng một tháng. Diễn biến xoay vòng nhanh chóng trong 30 ngày qua của quặng sắt biến nó trở thành mặt hàng dễ biến động nhất trong hơn 20 loại hàng hóa được giao dịch nhiều nhất thế giới.
Thị trường quặng sắt bị xáo trộn phần lớn do giới đầu tư bị hoang mang về việc các chính sách mâu thuẫn của Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng thế nào đến nhu cầu quặng của các nhà máy thép trong nước.
Trung Quốc muốn giảm sản lượng thép nhưng lại kiềm chế giá, muốn giảm đầu tư nhưng lại duy trì việc làm, Tomas Gutierrez, chuyên gia phân tích tại Kallanish Commodities, cho biết. “Mỗi khi chính sách được thay đổi để duy trì sự cân bằng giữa các mục tiêu này, triển vọng của thị trường thép cũng sẽ theo đó được cải thiện hoặc xấu đi”.
Mức độ biến động của giá quặng sắt đang loanh quanh mức cao nhất kể từ năm 2016. Ảnh: Bloomberg.
Trung Quốc đang dần hồi sinh nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 bằng cách chuyển sang kích thích tài chính và nới lỏng tiền tệ. Điều đó đồng nghĩa họ phải sản xuất ra một lượng thép khổng lồ để phục vụ cho sự bùng nổ của lĩnh vực bất động sản và hạ tầng. Kết quả là giá quặng sắt gấp hơn 2 lần trong năm qua.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang chịu áp lực ngày càng lớn để kiềm chế lạm phát, đồng nghĩa với việc họ phải thắt chặt tín dụng hơn và tiết chế chi tiêu cho xây dựng.
Thêm vào đó là việc Trung Quốc phải vạch ra một lộ trình để đạt được mục tiêu về phát thải khí carbon mà Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết vào năm ngoái. Tức là, họ sẽ phải giảm rất mạnh sản lượng thép, theo Goldman Sachs. Ngành công nghiệp thép đóng góp 17% lượng khí thải carbon của toàn Trung Quốc.
Việc đặt cược vào các chính sách mâu thuẫn này làm đảo lộn thị trường quặng sắt lâu nay vẫn đi theo diễn biến của giá thép. Giá hợp đồng quặng sắt tương lai ở Singapore từng chạm kỷ lục 233,75 USD/tấn vào ngày 12/5. Nhưng hai tuần sau đó, giá giảm xuống 170,5 USD/tấn dù vẫn cao hơn 2 lần mức trung bình kể từ khi hợp đồng này bắt đầu giao dịch vào năm 2013.
Giá quặng sắt không còn nhiều dư địa để tăng thêm, một nhà giao dịch hàng hóa tương lai tại Singapore với 5 năm kinh nghiệm cho hay. Bởi, Trung Quốc bắt đầu thắt chặt tín dụng và điều đó báo hiệu rằng giá quặng sắt sẽ giảm.
Cùng với đó, các nhà máy thép của Trung Quốc tiếp tục phá kỷ lục về sản lượng. Sản lượng thép của nước này từng lên cao nhất mọi thời đại vào tháng 5 và đạt 473 triệu tấn kể từ đầu năm 2021 đến nay. Với tốc độ này, sản lượng có thể vượt con số của năm ngoái là 1,05 tỷ tấn. Đây sẽ là mức sản lượng đáng lo ngại khi Trung Quốc đang phải tìm cách hạn chế phát thải từ ngành công nghiệp này.
Kết quả, bên cung sẽ rất chật vật để bắt kịp nhu cầu.
Những vấn đề về cơ cấu đang ảnh hưởng tới nguồn cung quặng sắt ở Trung Quốc vẫn tồn tại, giám đốc của một công ty đầu tư ở Thượng Hải cho biết. Theo ông, hàng tồn kho đang ở mức thấp kỷ lục, các lô hàng từ các nhà cung cấp lớn là Australia và Brazil trong những tuần gần đây đều không đủ, đồng thời sản lượng trong nước có thể bị hạn chế sau một số tai nạn vừa qua ở các mỏ khai thác.
Trung Quốc có thể sản xuất hơn 1 tỷ tấn thép trong năm nay. Ảnh: Bloomberg.
Ít nhất trong ngắn hạn, Trung Quốc dường như quyết định rằng việc giảm giá nguyên liệu thô, bao gồm cả sắt và thép, sẽ là mối quan tâm cấp bách nhất của họ. Để đạt được điều đó, Bắc Kinh đẩy mạnh chiến dịch kiềm chế lạm phát hàng hóa trong vài tuần gần đây, đặc biệt chú trọng ngăn chặn hành vi đầu cơ mà họ cho là nguyên nhân khiến giá cả tăng mạnh.
Một điều trớ trêu của chính sách đó là các nhà đầu cơ có vai trò quan trọng trong việc làm giảm mức độ biến động bằng cách tăng thanh khoản trên thị trường hàng hóa tương lai, theo nhận định của Goldman. Nói một cách đơn giản, khi thị trường có nhiều người mua và bán hơn thì sự điều chỉnh giá cũng trở nên bớt bất ngờ hơn.
Lu Ting, nhà phân tích cấp cao tại Shanghai Metals Market, cho biết dù triển vọng về chính sách đối với thị trường quặng sắt và thép vẫn mờ mịt, song mùa hè là mùa xây dựng và sản xuất chậm chạp ở Trung Quốc và điều này sẽ ảnh hưởng đến giá thép.
Về dài hạn, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạ giá hàng hóa sẽ được hỗ trợ bởi sự thay đổi trong chu kỳ kinh tế khi các biện pháp nhằm hỗ trợ kinh tế bị thu hẹp.
Nhu cầu tiêu thụ thép có thể chậm lại vì Trung Quốc đang rút khỏi các biện pháp kích thích quy mô lớn và tìm cách thúc đẩy tăng trưởng dựa vào chi tiêu tiêu dùng trong nước, Richard Lu, chuyên gia phân tích cấp cao tại CRU Group, dự đoán.
Trung Quốc cũng đang tiếp tục tìm kiếm các giải pháp thay thế để giảm phụ thuộc vào nguồn quặng sắt của nước ngoài như tăng cường nhập khẩu thép phế liệu.
Tuy nhiên, không có yếu tố nào trong số đó có thể đảm bảo giá quặng sắt sẽ sụp đổ, bởi sản lượng thép thấp sẽ kích thích giá tăng, giúp cải thiện biên lợi nhuận của các nhà máy, từ đó họ có thể dễ dàng mua được loại quặng sắt hiệu quả hơn và ít gây ô nhiễm hơn, theo ông Lu. Ông dự đoán giá quặng sắt sẽ dao động trong khoảng 180 – 210 USD/tấn trong vòng 3 tháng tới.
Vì vậy, khi ổn định, giá quặng có thể sẽ ở vùng cao hơn so với trước đây, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu của các nước còn lại trên thế giới đang vẫn lớn.
“Trong tương lai, chúng tôi dự đoán chính sách của Trung Quốc vẫn là yếu tố hỗ trợ nhu cầu thép tới hết năm 2021. Các chỉ số kinh tế bên ngoài Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục cải thiện với sản lượng thép của các nước khác tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái trong 4 tháng đầu 2021 và về lại mức trước đại dịch”, theo Elizabeth Gaines, CEO của tập đoàn khai khoáng Fortescue Metals Group, nhà cung cấp quặng sắt lớn thứ 4 thế giới.
Nguồn:ndh/bloomberg