menu search
Đóng menu
Đóng

5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đã đạt trên 10 tỷ USD

11:13 28/06/2024

Trong những năm gần đây, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự thịnh vượng kinh tế của cả hai quốc gia. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong giai đoạn 2020-2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã liên tục có dấu hiệu tăng trưởng, trung bình đạt trên 76 tỷ USD/năm. Trong giai đoạn từ 2020-2023, kim ngạch thương mại song phương đạt đỉnh vào năm 2022 với trị giá xuất nhập khẩu đạt 86,55 triệu USD và thấp nhất là vào năm 2020 với 66,02 triệu USD.
 
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hàn Quốc bao gồm điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, dệt may và thủy sản. Ngược lại, Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là linh kiện điện tử, máy móc và thiết bị, hóa chất…

Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam – Hàn Quốc giai đoạn 2020-2023
Đơn vị tính: Tỷ USD 

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Hàn Quốc năm 2023 đạt 76,01 tỷ USD, giảm 12,2% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 23,5 tỷ USD, giảm 3,34% so với năm 2022; nhập khẩu đạt 52,5 tỷ USD, giảm 15,6% so với năm 2022.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12-2015, đã tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Hai nước đang tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) và Hàn Quốc đang xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên.

Một số thị trường NK chính của Hàn Quốc trong tháng 4/2024

Đơn vị tính: Nghìn USD

Nguồn: Cơ quan Hải quan Hàn Quốc - Korea Customs Service

Cơ cấu thị trường NK hàng hóa của Hàn Quốc trong tháng 4/2024 (Việt Nam xếp thứ 7)

Đơn vị tính: Tỷ USD, %

Nguồn: Cơ quan Hải quan Hàn Quốc - Korea Customs Service

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong tháng 4/2024, trị giá nhập khẩu hàng hóa của Hàn Quốc từ Việt Nam đạt 2,25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 6,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hàn Quốc. Đứng đầu trong danh sách này là thị trường Trung Quốc (37,7%), Hoa Kỳ (18,3%), Nhật Bản (12,5%)….

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong giai đoạn 2013 – 2023
Đơn vị tính: Tỷ USD, %

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Trong lĩnh vực xuất khẩu, năm 2023 có 05 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (4,83 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (3,51 tỷ USD); hàng dệt, may (3,05 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (2,76 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (1,25 tỷ USD).

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2024

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Riêng trong tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Hàn Quốc đạt 1,97 tỷ USD, tăng 4,94% so với tháng trước đó và tăng 21,88% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 10,21 tỷ USD, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Hàn Quốc với trị giá xuất khẩu trong tháng 5/2024 đạt 346,29 triệu USD, tăng 6,75% so với tháng trước và tăng 18,71% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của nước ta sang Hàn Quốc đạt 2,2 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 21,56% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Hàn Quốc.
Trong tháng 5/2024, Việt Nam đã nhập khẩu từ Hàn Quốc tổng 4,87 tỷ USD, tăng 13,31% so với tháng trước và tăng 19,91% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ thị trường Hàn Quốc đạt 21,75 tỷ USD, tăng 8,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của nước ta từ Hàn Quốc với trị giá nhập khẩu trong tháng 5/2024 đạt 2,6 tỷ USD, tăng 14,57% so với tháng trước và tăng 30,35% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của nước ta từ Hàn Quốc đạt 11,81 tỷ USD, tăng 15,13% so với cùng kỳ, chiếm 54,31% tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ Hàn Quốc.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ thị trường Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2024

          Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong những năm gần đây, việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đã trở thành một trong những mục tiêu chiến lược của Chính phu và các doanh nghiệp Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện một loạt các giải pháp cụ thể và đồng bộ. Trước hết, việc hoàn thiện chính sách và pháp luật là rất quan trọng. Cải thiện khung pháp lý liên quan đến xuất khẩu sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, cần tăng cường công tác giám sát và quản lý chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm thương mại và các sự kiện xúc tiến thương mại tại Hàn Quốc sẽ giúp quảng bá sản phẩm Việt Nam hiệu quả hơn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các sự kiện quốc tế để thiết lập và mở rộng mạng lưới đối tác tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, phát triển hạ tầng và logistics là yếu tố then chốt để giảm chi phí vận chuyển và lưu trữ hàng hóa. Các cơ quan quản lý nhà nước cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi, và tăng cường hợp tác với các công ty logistics quốc tế để cải thiện chuỗi cung ứng. Hơn nữa, việc nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm thông qua đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D), tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng xuất khẩu cũng rất cần thiết.
Đối với các doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường Hàn Quốc là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Tìm hiểu kỹ lưỡng về nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu khách hàng, và các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn sản phẩm phù hợp để xuất khẩu. Đảm bảo chất lượng và đổi mới sản phẩm là yếu tố then chốt để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ và quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường Hàn Quốc, liên tục cải tiến và đổi mới sản phẩm để tăng cường giá trị gia tăng. Xây dựng thương hiệu và chiến lược marketing hiệu quả, bao gồm phát triển chiến lược marketing, quảng bá sản phẩm qua các kênh truyền thông và mạng xã hội, cũng như tạo mối quan hệ lâu dài và bền vững với đối tác và khách hàng Hàn Quốc thông qua các chương trình chăm sóc khách hàng và dịch vụ hậu mãi, là điều cần thiết để nâng cao sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam trên thị trường này.
Tăng cường hợp tác quốc tế cũng là một giải pháp quan trọng. Hợp tác với các đối tác Hàn Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Tham gia vào các hiệp hội, liên minh kinh tế, nhóm ngành cũng giúp tăng cường sức mạnh đàm phán và mở rộng cơ hội hợp tác. Cuối cùng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố không thể thiếu. Đầu tư vào đào tạo nhân viên, đặc biệt là về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp quốc tế, và hiểu biết về văn hóa kinh doanh Hàn Quốc sẽ giúp doanh nghiệp tự tin hơn khi tiếp cận thị trường này. Tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các khóa học, chương trình đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng xuất khẩu cũng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững. Việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trên sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, ngày 31/5/2024, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội kiến Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo. Trong khuôn khổ cuộc gặp, Thủ tướng Han Duck-soo khẳng định Chính phủ Hàn Quốc luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong việc triển khai chính sách đối ngoại tại khu vực. Thủ tướng Han Duck-soo nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về việc hai bên cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác trong thời gian tới, duy trì giao lưu và tiếp xúc cấp cao thường xuyên; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại hiện có; thúc đẩy hợp tác kinh tế thực chất; tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch, lao động, giao lưu nhân dân; tiếp tục duy trì phối hợp trên các diễn đàn đa phương, tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao hai nước; phát huy hiệu quả hơn nữa các cơ chế hợp tác song phương hiện có về ngoại giao, quốc phòng và an ninh; mở cửa hơn nữa cho hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc, hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc, góp phần nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025; tiếp tục nâng cao chất lượng và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, công nghệ cao...
Trên cơ sở mối liên kết chặt chẽ giữa hai quốc gia, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa trong tương lai.

Nguồn:VITIC tổng hợp