menu search
Đóng menu
Đóng

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là cơ sở để đẩy mạnh xuất khẩu

08:28 21/02/2024

Việt Nam là một quốc gia có đường bờ biển dài, với nhiều vũng, vịnh, ao, hồ, đầm … rất thích hợp để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Trong những năm qua, diện tích đất nuôi trồng ngày càng tăng, nhiều sản phẩm có tiềm năng ra đời phục vụ cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
 
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng thủy sản trong tháng 12/2023 đạt 745 triệu USD, giảm 5,7% so với tháng 12/2022; tính chung cả năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam đạt 8,97 tỷ USD, giảm 17,8% so với năm trước 2022; tính riêng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,5 triệu m³ lồng nuôi biển, với sản lượng đạt hơn 5,4 triệu tấn. Ước tính trong tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023 (do tháng 1/2023 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán). Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động nuôi trồng thủy sản trong nước vẫn còn nhiều trở ngại, chủ yếu theo hình thức nhỏ lẻ, tự phát nên việc kiểm soát dịch bệnh, con giống còn khó khăn, ngoài ra những trở ngại về nguồn thức ăn, chi phí sản xuất, kết cấu hạ tầng … cũng là một thách thức không nhỏ với nhiều hộ nuôi trồng. 
Quyết định số 76/QÐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là hoàn thành kế hoạch điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản ở biển Việt Nam bao gồm cả vùng biển sâu, các bãi cạn, gò đồi ngầm; 100% hồ tự nhiên, hồ chứa lớn và hệ thốngsông chính được điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản; 100% các khu bảo tồn biển, khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản ở biển; 100% các tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên hằng năm; 60% địa phương thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái... Chương trình với những giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, hướng đến mục tiêu phục hồi và sử dụng nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh một cách hợp lý, hiệu quả. 

Ảnh minh hoạ, nguồn internet

 Trên cơ sở của Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, nhiều giải pháp cần được các Bộ ban ngành triển khai thực hiện song song nhằm mang lại kết quả cao nhất, trong đó việc nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, cần triển khai các giải pháp chính về hoàn thiện cơ chế, chính sách như: Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách chuyển đổi nghề, đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và chung quanh khu bảo tồn biển, cộng đồng ngư dân khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ ….; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước trong công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái thủy sinh …

Nguồn:VITIC tổng hợp