Cụ thể, trên các tuyến QL hiện có 86 trạm thu phí BOT đang và sẽ thu phí khi các dự án hoàn thành và đưa vào khai thác (dự án đã ký hợp đồng BOT).
Trong đó có 53 trạm có khoảng cách trên 70 km với trạm liền kề, 9 trạm có khoảng cách 60 - 70 km và 24 trạm có khoảng cách dưới 60 km. Sau khi rà soát theo chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu khoảng cách tối thiểu giữa các trạm thu phí là 70 km, Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên trạng 53 trạm thu phí có khoảng cách trên 70 km và 9 trạm có khoảng cách giữa các trạm 60 - 70 km.
Với 18 trạm có khoảng cách dưới 60 km giữa các trạm, Bộ GTVT cũng đề nghị tiếp tục giữ nguyên trạng nhằm tránh các khu đông dân cư, khu đô thị. Lý do trạm đã nằm trong phạm vi dự án, khi quyết định vị trí trạm thu phí đã lựa chọn cân nhắc điều kiện cụ thể, và đã được UBND tỉnh, Bộ GTVT và Bộ Tài chính thống nhất.
Bộ đề xuất Chính phủ xóa bỏ 2 trạm thu phí là trạm Đèo Ngang và trạm Hải Vân. Cụ thể, trạm Đèo Ngang cách trạm phía bắc là trạm Cầu Rác 51 km (quyết định đầu tư năm 2002), cách trạm phía nam là trạm Quảng Bình 15 km.
Do thời gian thu phí tại trạm Đèo Ngang không còn dài, 2 dự án hầm Đèo Ngang và tuyến tránh Hà Tĩnh cùng một nhà đầu tư, nên Bộ GTVT đang đàm phán với nhà đầu tư xóa bỏ trạm Đèo Ngang và kéo dài thời gian thu phí tại trạm Cầu Rác để hoàn vốn cho dự án BOT hầm Đèo Ngang.
Tương tự, Trạm thu phí Nam Hải Vân đầu tư năm 2007 sẽ được xóa bỏ đầu năm 2016, dùng trạm thu phí Hòa Phước để hoàn vốn cho cả hai dự án BOT Hòa Cầm - Vĩnh Điện và dự án BOT đoạn Km 947 - Km 987 (QL1) do cùng một nhà đầu tư. Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dịch chuyển bốn trạm thu phí, trong đó ba trạm nằm trên tuyến QL1 và một trạm tại QL20.
Như vậy sau khi sắp xếp, dịch chuyển, trên cả nước vẫn còn 84 trạm thu phí BOT.
Theo Mai Hà
Thanh Niên
Nguồn:Thanh Niên