Trước băn khoăn của báo giới về việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trưởng thấp trong khi nền kinh tế Việt đang có nhiều khởi sắc ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng CPI và GDP không có mối quan hệ tỉ lệ thuận với nhau. CPI thấp không có nghĩa là GDP thấp và ngược lại.
“Tổng cục Thống kê hiện chưa công bố tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2015 nhưng kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu khởi sắc. CPI thấp là dấu hiệu là điều kiện cho ổn định sản xuất kinh doanh phát triển”, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số bản lẻ trong tổng cầu tăng 9% so với 9 năm trước, điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng vẫn tăng cao.
Chỉ số CPI 9 tháng năm 2015 có độ tăng trưởng tương đối thấp kể từ năm 2001 lại đây. Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,04%, sau 9 tháng CPI tăng 0,4% so với cuối năm 2014. Khi CPI giữ ở mức thấp và ổn định, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ theo phí giá thị trường.
Tổng cục Thống kê cho biết nguyên nhân khiến CPI 9 tháng qua có tốc độ tăng thấp do chính sách và thị trường.
Cụ thể, về chính sách, TPHCM điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng từ 1/6/2015 làm cho chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 1,67% so với tháng 12 năm trước, góp phần làm CPI cả nước tăng 0,07%. Giá điện tăng 7,5% kể từ 16/3/2015, 9 tháng năm 2015 chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 9,14% so với tháng 12 năm 2014 góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,22%.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ 1/1/2015 (tăng từ 400.000 đồng so với giá hiện hành) và tăng 8% lương cơ bản cho đối tượng nghỉ hưu và công chức có hệ số 2,34% trở xuống nên giá một số loại dịch vụ như dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện nước, dịch vụ thuê người giúp việc có mức tăng giá từ 2-4% so với tháng 12 năm trước.
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng 3% và nới biên độ giao dịch của đồng USD cùng với sự phá giá của đồng Nhân dân tệ đã tác động đến giá một số mặt hàng nhập khẩu và giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu, theo ước tính tỷ giá tăng sẽ tác động đến mức tăng chung của CPI năm 2015 khoảng 0,72%.
Yếu tố thị trường tác động đến CPI, đặc biệt 9 tháng 2015 có 2 tháng liên quan đến Tết nguyên đán nên nhu cầu mua sắm tăng cao, sau 9 tháng chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55% so với cuối 2014 góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,22%.
Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá, đồ may sẵn sau 9 tháng tăng 1,61% và 1,98% so với cuối năm 2014.
Nhu cầu du lịch tăng cao dịp Tết và kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên chỉ số nhóm du lịch tăng 3,43% so với tháng 12 năm trước.
Hải Yến