menu search
Đóng menu
Đóng

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu

08:00 11/07/2024

Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng là một trong các nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một nhiệm vụ trọng tâm.
 
Cải cách TTHC loại bỏ những rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cải cách TTHC là quá trình rà soát, đánh giá để loại bỏ những bước, thủ tục bất hợp lý, không cần thiết, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các TTHC mới theo quy định của pháp luật và triển khai thực hiện công khai, minh bạch tất cả các TTHC bằng các hình thức thiết thực và thích hợp tạo ra sự thuận tiện cho tổ chức, công dân trong xã hội. 
Việc đơn giản hóa quy trình giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước mà còn tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu liên tục biến động, việc cải cách TTHC còn giúp các doanh nghiệp linh hoạt ứng phó với những thay đổi, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững.
Một số thành tựu đạt được trong cải cách TTHC về lĩnh vực xuất nhập khẩu
Về đơn giản hóa, cắt giảm TTHC: Trong giai đoạn trước từ năm 2018-2020, Bộ Công Thương đã rà soát, bãi bỏ 02 TTHC (Thủ tục cấp phép nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học, Thủ tục cấp phép nhập khẩu tự động xe mô tô phân phối lớn) và đơn giản hóa 62 TTHC liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Về phân cấp TTHC: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2022 về phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong đó có một số TTHC liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Về giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN: Triển khai Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020, nhiều TTHC đã được kết nối đến Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW) như: Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D; Cấp Giấy phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; Cấp Giấy phép nhập khẩu tự động mô-tô phân khối lớn; Cấp Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu kim cương thô; Khai báo hóa chất; Cấp Giấy phép xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; Cấp Giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; Cấp Giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất công nghiệp; Thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị chuyên ngành thuốc lá,... Các TTHC được kết nối này đều là các thủ tục có số lượng hồ sơ nhiều, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Về giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) điện tử đã được kết nối, trao đổi được dữ liệu điện tử với ASEAN. Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để chính thức kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN từ ngày 01/01/2018 với 4 nước gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Toàn bộ quy trình, thủ tục xin cấp C/O mẫu D điện tử được triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hoàn toàn qua mạng Internet, không tiếp nhận hồ sơ giấy, không phát hành bản C/O giấy. Điều này tạo ra một bước đột phá đáng kể trong công tác cải cách hành chính, khi doanh nghiệp không phải đến các tổ chức cấp C/O để nộp hồ sơ, không phải chờ đợi việc gửi và nhận C/O bản giấy.
Đến nay, Việt Nam đã kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN thêm với 05 nước ASEAN gồm: Brunei (01/04/2019), Campuchia (01/07/2019), Myanmar (09/12/2019), Lào (23/12/2019) và Philippin (03/2020). Như vậy, Việt Nam đã kết nối C/O điện tử mẫu D với toàn bộ các nước trong khối ASEAN. Trong năm 2022, tổng số hồ sơ điện tử mẫu D đã trao đổi với các nước là 244.867 hồ sơ, năm 2023 là 258.753 hồ sơ.
Ngoài việc trao đổi dữ liệu C/O điện tử mẫu D với ASEAN, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cho việc trao đổi dữ liệu về xuất xứ hàng hóa điện tử với một số đối tác lớn của Việt Nam như Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc.
Một số tồn tại cần khắc phục
Công tác tuyên truyền cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC nói riêng về lĩnh vực xuất nhập khẩu đã được triển khai. Tuy nhiên, một số đơn vị có TTHC chưa chủ động thực hiện, hình thức tổ chức tuyên truyền về cải cách TTHC chưa thật sự phong phú chủ yếu thực hiện qua Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Nội dung tuyên truyền chưa bám sát các đối tượng như cá nhân, doanh nghiệp.
TTHC tiếp nhận và giải quyết trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương và Dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin Một cửa quốc gia đang gặp phải khó khăn vướng mắc như: do đặc thù TTHC nên nhiều bộ hồ sơ xin cấp phép có khối lượng lớn, người dân và doanh nghiệp khó tải lên để thực hiện TTHC do hạn chế về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
Định hướng, giải pháp nâng cao hoạt động cải cách TTHC tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu
Thứ nhất, kiểm soát chặt chẽ việc công bố, công khai TTHC đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về công bố, công khai TTHC.
Thứ hai, rà soát, đơn giản hóa các TTHC: xây dựng kế hoạch, phương án loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; cắt giảm các mẫu đơn, tờ khai, triển khai thu phí điện tử đối với các TTHC có thu phí.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hồ sơ giải quyết TTHC.
Thứ tư, tập huấn, đào tạo kiến thức về cải cách hành chính, pháp lý và chuyên ngành có liên quan, coi đây là yêu cầu, tiêu chuẩn về kỹ năng chuyên môn mà cán bộ công chức cần phải có trong quá trình giải quyết TTHC liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức bằng hình thức phù hợp, có hiệu quả; bồi dưỡng nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất kỹ năng thực thi công vụ của đội ngũ chuyên trách cải cách hành chính; tạo điều kiện tốt hơn về chế độ đãi ngộ đối với công chức làm nhiệm vụ đầu mối, giải quyết TTHC.
Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện cải cách TTHC: Việc kiểm tra cần phải tiến hành nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra. Kết luận kiểm tra phải đảm bảo khách quan, trung thực nhằm loại bỏ các hành vi tiêu cực, tham ô, nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, cần có khen thưởng kịp thời đối với thành tích trong công tác giải quyết TTHC đồng thời phải có chế tài nghiêm minh đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi vi phạm.
Thứ sáu, đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu cải cách, ưu tiên nguồn kinh phí để kiện toàn máy móc, trang thiết bị đảm bảo điều kiện tốt nhất cho việc giải quyết TTHC trên môi trường mạng. Đồng thời, cần chú trọng hơn nữa việc áp dụng quy trình thủ tục theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 đã xây dựng.
Cải cách TTHC là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc đơn giản hóa quy trình, áp dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước. Đây là bước tiến cần thiết để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu và phát triển xuất khẩu bền vững./.

Nguồn:VITIC tổng hợp

Link gốc