menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp nhập khẩu “kêu khó” vì thực phẩm bị quản lý như dược phẩm

19:34 31/12/2020

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng như hành, tỏi, gừng, đậu nành… cho biết không thể nhập hàng về sản xuất vì các sản phẩm này gần đây bị quản lý như dược phẩm theo Thông tư 48 của Bộ Y tế.
 
 
Ách tắc hàng hóa nhập khẩu
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Thời gian qua, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh khó khăn của doanh nghiệp (DN) nhập khẩu thực phẩm do vướng Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế. 
Việc nhập khẩu hành tỏi của nhiều doanh nghiệp gặp khó do bị quản lý như dược phẩm
Lý giải cụ thể, bà Chi cho biết, nguyên nhân cốt lõi của khó khăn là do Bộ Y tế gom chung các loại thực phẩm đa chức năng và các dược liệu khác vào một mối để quản lý, nhằm tạo thuận tiện cho DN ngành dược nhưng lại làm khó cho các DN ngành nghề khác, đặc biệt là ngành thực phẩm.
Theo đó, với thông tư này, rất nhiều loại thực phẩm tiêu dùng thông thường như hành, tỏi, đậu nành… phải làm thủ tục xuất nhập khẩu tương tự các loại dược liệu. Điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho DN kinh doanh thực phẩm, vì vừa phải tuân thủ các quy định quản lý về xuất nhập khẩu thực phẩm, vừa phải tuân thủ các quy định quản lý dược liệu.
Ông Lê Ngọc Khuê - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Sao Khuê (TP. Hồ Chí Minh) - nêu quan điểm: Việc đưa ra quy định quản lý như vậy về cơ bản sẽ gây ảnh hưởng khó khăn đến hoạt động xuất nhập khẩu của các DN thuộc ngành hàng này. “Thực tế khi đưa ra các quyết định về quản lý điều hành liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, về cơ bản các DN đều phải tuân thủ, song các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tính đến nhiều vấn đề thực hiện như thế nào, hợp lý hay chưa, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN ra sao” - ông Khuê ý kiến.
Cùng quan điểm, ông Tô Duy Thông - CEO Công ty Vilaconic chuyên xuất nhập khẩu nông sản - cho rằng, các mặt hàng nông sản như hành, tỏi, đậu không phải là các mặt hàng hiếm, chuyên dụng nên đưa vào quản lý như dược phẩm là không thật sự cần thiết.
Kiến nghị sớm gỡ khó
Từ những bất cập trên, bà Chi đề nghị, để giải quyết dứt điểm khó khăn cho DN, Bộ Y tế cần khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 48 theo hướng chỉ đưa vào danh mục dược liệu những sản phẩm chỉ có mục đích sử dụng làm dược liệu. Trước mắt, trong thời gian chờ Bộ Y tế sửa đổi Thông tư 48 cần linh động xử lý giải tỏa hàng cho DN theo hướng: Đối với những thực phẩm đa chức năng (có thể chiết xuất làm dược liệu, dùng làm thực phẩm hằng ngày hay làm nguyên liệu chế biến sản phẩm phi thực phẩm...), thì để DN tự khai báo theo mục đích sử dụng; trên cơ sở đó, DN sẽ liên hệ với cơ quan quản lý theo mục đích sử dụng để làm thủ tục xuất nhập khẩu. “Chậm một ngày là DN không có nguyên liệu để sản xuất, nhất là trong dịp cao điểm Tết” - bà Chi bức xúc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi gặp vướng mắc như hiện nay, các sản phẩm hành, tỏi, gừng… vẫn được DN nhập khẩu bình thường theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên gần đây những sản phẩm này lại được đưa về danh mục quản lý của Bộ Y tế nên bị áp vào danh mục như mặt hàng dược phẩm, dẫn đến bất cập trong quá trình thực hiện thủ tục nhập khẩu.
Chính vì thế, Tổng cục Hải quan đã đề nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) sớm cung cấp Danh mục hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhưng chủ yếu dùng làm thực phẩm để áp dụng chính sách nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ. Việc này nhằm tránh ách tắc hàng hóa tại các cửa khẩu cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động kinh doanh.
Với nội dung này, Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết đang phối hợp cùng Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT để thảo luận các giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Dự kiến trong tuần tới sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Nguồn:Tapchicongthuong.vn

Link gốc