Chia sẻ tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm ngày 30/6, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ dẫn lại số liệu của WB, cho rằng lãi suất cho vay trung bình hiện nay của Việt Nam khoảng 8,5%. Vị Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) tính toán với mức lạm phát khoảng 1%, lãi suất cho vay thực dương hiện ở mức 7,5% là cao hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế (hơn 6%).
"Điều này có nghĩa, nếu một doanh nghiệp hiệu quả hoạt động ở mức trung bình trên thị trường, thì lợi nhuận kiếm được từ các khoản vay thêm sẽ không đủ để trả nợ, sớm hay muộn họ phải thu hẹp quy mô. Như vậy là cản trở đầu tư chứ không mở rộng sản xuất", ông Độ phân tích.
Đại diện của Viện kinh tế Tài chính cũng nêu tính toán cho thấy, nếu lãi suất cho vay thực dương tăng thêm 1%, tỷ lệ đầu tư trên GDP sẽ giảm khoảng 0,76%. Do đó, ông mong muốn lãi suất cần hạ thêm thay vì tăng trở lại như thời gian gần đây.
Đồng tình với ông Độ, Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long cũng mong muốn không chỉ lãi suất tiếp tục hạ mà tỷ giá cũng nên điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Theo ông Long, tăng trưởng hiện nay tốt, lạm phát cũng tốt nhưng nội lực của doanh nghiệp chưa thực sự ổn. "Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng như Ngân hàng Nhà nước cần điều hành giá điện, giá xăng, sữa cũng như tỷ giá, lãi suất sao cho hợp lý để người dân, doanh nghiệp dễ thở hơn. Như vậy mới phát huy được nội lực", ông Long nói.
Tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 6,28% so với đầu năm trong khi huy động vốn chỉ tăng 4,58%. Theo ông Nguyễn Đức Độ, đây là dấu hiệu cho thấy có sự căng thẳng về cung - cầu trên thị trường vốn. Không chỉ vậy, tổng phương tiện thanh toán 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 5,09% - tăng thấp hơn mức 6,37%. Số liệu này, theo ông Độ, chỉ ra rằng Ngân hàng Nhà nước chưa sẵn sàng hạ lãi suất vì muốn hỗ trợ cho tỷ giá.
Theo ông, về mặt lý thuyết, giữ lãi suất cao có thể giữ được tỷ giá nhưng lại tạo nên chi phí lớn như đầu tư giảm, đà phục hồi bị chậm lại, giảm phát có thể xảy ra. Bên cạnh đó, mục tiêu ổn định tỷ giá để khống chế nợ công có thể bị thách thức khi tăng trưởng GDP và lạm phát thấp khiến thu ngân sách bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, lãi suất cao cũng khiến chi phí huy động vốn của Chính phủ tăng cao.
Trước những lập luận này, bà Nguyễn Thị Kim Thanh - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng - lại cho rằng nên giữ lãi suất cũng như tỷ giá theo cách điều hành hiện nay. Bà nhắc lại, thực tế đã chứng minh độ nhạy của lãi suất với đầu tư tại Việt Nam không lớn, bằng chứng là thời gian qua dù lãi suất rất thấp nhưng cầu tín dụng vẫn thấp do nhà đầu tư thấy chu kỳ kinh tế đang đi xuống. "Lãi suất không phải tất cả để thúc đẩy đầu tư mà cái cần là một môi trường pháp lý, đầu tư tốt", bà Thanh nói.
Theo bà, với câu chuyện lãi suất thực ông Độ đặt ra, nên nhìn về hai phía, vừa là đầu tư, vừa tiêu dùng. "Tiếp tục hạ lãi suất cho nhà đầu tư thì lãi của người gửi tiền sẽ giảm trong khi với nhiều người, đặc biệt là dân Hà Nội, đội ngũ hưu trí sống nhờ tiền tiết kiệm rất nhiều. Lãi suất giảm thì đồng nghĩa thu nhập của nhiều người sẽ giảm", bà Thanh nêu ý kiên tại Hội thảo.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước từng phát đi thông điệp nhất định sẽ duy trì tỷ giá từ nay đến cuối năm. Đồng thời, theo cơ quan này, lãi suất huy động tăng cao vừa qua chỉ mang tính cục bộ và không phải xu hướng chung.
Nguồn:VnExpress