Sáng nay (10-8), thảo luận về dự án Luật phí, lệ phí tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng ở VN chúng ta có hai vấn đề nhức nhối nhất: đó là chuyện phí, lệ phí và chuyện hội hè, đình đám.
Cải cách lên cải cách xuống vẫn phiền hà
“Các đồng chí nhớ hôm chất vấn bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đại biểu đã đề cập chuyện con gà, quả trứng bị thu mười mấy loại phí. Bộ trưởng thừa nhận đại biểu nói đúng, thu phí này phí kia là không cần thiết. Một con gà mà bị đè ra thu đến 14 loại phí, trời đất ơi!” - Chủ tịch Quốc hội nói và kêu lên.
Theo Chủ tịch Quốc hội, không chỉ là chuyện mức tiền phải nộp mà quy trình để nộp phí cũng rất phức tạp, có nơi người ta phải “bôi trơn” mới được nộp phí.
“Tôi chỉ nói mỗi chuyện thu phí giao thông qua các trạm thôi mà cũng cải cách lên cải cách xuống, cải cách đi cải cách lại, nhưng vẫn phiền hà. Mà đó là phí thu nộp ngay đấy. Còn lại những loại khác thì liên quan đến chuyện mức phí, rồi ai nộp, ai thu, nộp ở đâu, khi nào nộp…, nhiều khi người ta đi nộp rất vất vả, dân rất khổ. Ngay chuyện nhớ từng tên phí đã mệt rồi” - ông Hùng nêu ví dụ.
Từ phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “phải quyết tâm cải cách thủ tục hành chính".
"Thủ tướng đi đâu cũng nói là chúng ta phấn đấu năm này thì bằng ASEAN 6, năm này thì bằng ASEAN 4, nhưng cứ như vậy thì khi nào mới bằng được? Cho nên tôi dứt khoát đề nghị làm rõ, cái gì thuộc giá thì đưa lên cơ chế giá, như các đồng chí đề xuất là học phí, viện phí và còn hàng trăm cái khác nữa cần rà soát lại. Cái gì là phí, cái gì là lệ phí thì phải thật minh bạch, rõ ràng”, ông nói.
“Tôi không ấn nút đâu”
Chủ tịch Quốc hội tiếp lời: “Lệ phí bao nhiêu loại, gồm những loại gì, phải ghi vào, không được để ngoài luật. Thứ hai là phí thì phải đúng tính chất phí. Tôi nói như chuyện thu tiền người đi đường cao tốc thì cái đó là giá hay phí? Sao lại gọi là phí được? Nó là giá dịch vụ qua đường chứ. Anh muốn qua đường thì phải trả tiền tôi đã xây đường cho anh đi, không thể gọi là phí”.
“Những dịch vụ thu theo cơ chế giá sẽ áp dụng theo quy định của Luật giá. Còn những thứ khác như chi phí khởi kiện chẳng hạn thì cái đó mang tính công quyền, Nhà nước thu để bù đắp một phần chi phí Nhà nước bỏ ra để cung cấp dịch vụ cho dân”.
Ông Hùng dứt khoát: “Danh mục phí, lệ phí phải được quy định vào luật, bởi vì đây là quy định của Hiến pháp. Quốc hội quản lý danh mục này, Quốc hội cho thu hay không cho thu là thẩm quyền của Quốc hội. Quốc hội có thể phân quyền, phân cấp cho Chính phủ, HĐND thực hiện mức thu. Ngoài Quốc hội, không có cơ quan nào được “đẻ” thêm bất cứ một khoản thu nào”.
“Đấy, nói chuyện con gà thu 14 loại phí. Ra Quốc hội đại biểu chất vấn, bộ trưởng thừa nhận đúng rồi và có thể bãi bỏ ngay được. Như vậy cái khoản thu đó ông để cho ông cục phó ký chứ bộ trưởng có ký đâu, có khi ông trạm trưởng cũng ký để thu…”.
“Tư duy làm luật này phải theo đúng tinh thần Hiến pháp, tinh thần cải cách hành chính và hội nhập quốc tế. Nếu chưa có danh mục phí, lệ phí để Quốc hội xem xét thì chưa thể thông qua. Quốc hội thông qua cái luật có tên là phí và lệ phí mà chưa biết có những loại nào thì thông qua cái gì? Tôi nghĩ nếu chưa làm rõ ràng được như vậy thì Quốc hội chưa bằng lòng, tôi là Chủ tịch Quốc hội tôi cũng chưa bằng lòng và không bấm nút đâu”, Chủ tịch Quốc hội tuyên bố.
Chấm dứt chuyện “đếm trứng ăn tiền”
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Việt Dũng |
“Báo cáo Chủ tịch Quốc hội là nhìn lại thấy có những cái mình làm cũng buồn cười lắm. Ví dụ cái thông tư thu phí mà chủ tịch đề cập đó là chúng ta thu theo quả trứng, do vậy khi thực hiện thì các đơn vị kiểm định cứ đếm trứng ăn tiền” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đáp lời.
Ông Dũng cho biết sau kỳ họp Quốc hội đã quyết định bỏ những khoản phí phi lý đối với con gà, quả trứng.
“Kể cả chuyện thu phí kiểm định trâu, bò, gà theo con, tới đây chúng tôi cũng đề xuất bỏ. Không thể làm như vậy được, chỉ được thu phí theo mẫu thôi. Một triệu quả trứng nhưng kiểm định mẫu 10 quả thì chỉ thu phí với 10 quả ấy thôi, một đàn trâu hàng trăm con khi kiểm định mẫu một con thì thu phí con ấy thôi. Tiến tới, chúng ta sản xuất hàng hóa thì phải kiểm định ngay tại gốc, tức là tại nơi chăn nuôi luôn” - ông Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết trong quá trình soạn thảo Luật phí và lệ phí đã rà soát danh mục và tính toán lại mức thu, bước đầu đã rà soát từ 301 xuống còn 200 khoản phí và lệ phí.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” - ông Dũng hứa.
Theo Lê Kiên
Tuổi trẻ
Nguồn:Tuổi trẻ