menu search
Đóng menu
Đóng

Nhiều thắc mắc về thực thi hai luật kinh doanh mới

09:12 26/06/2015

Từ ngày 1-7-2015, doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành nghề nào mà luật không cấm hay hạn chế kinh doanh.
Chỉ còn 5 ngày nữa là Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn còn khá nhiều thắc mắc về việc thực thi hai luật vốn được kỳ vọng đảm bảo sự tự do kinh doanh cũng như giảm bớt rủi ro kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tại Hội nghị triển khai những điểm mới trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM phối hợp tổ chức tại TPHCM vào ngày 25-6-2015, một trong những câu hỏi được doanh nghiệp lặp đi lặp lại là hai luật trên sẽ được thực hiện như thế nào từ ngày 1-7-2015 khi cho đến nay vẫn chưa có bất cứ nghị định hay hướng dẫn nào, và cũng như chưa có các biểu mẫu để thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định mới.

Trả lời câu hỏi này, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết trong Luật Đầu tư (sửa đổi), các nội dung của luật quy định khá chi tiết và cụ thể. Do đó, hầu như chỉ cần có biểu mẫu là doanh nghiệp có thể thực hiện được ngay mà không cần thêm các hướng dẫn. Sẽ có các hướng dẫn nhưng cũng chỉ mang tính chất làm rõ hơn một số ít nội dung của luật.

Cũng theo ông Tuấn, Luật Đầu tư 2014 có sáu ngành nghề cấm kinh doanh và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngoài những ngành này thì luật không cấm, không hạn chế người dân thực hiện quyền tự do kinh doanh. Luật cũng quy định các điều kiện, các lĩnh vực cấm phải được công bô trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tích cực để bảo đảm ngày 1-7, tất cả các điều kiện này sẽ được công bố. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang đăng tải các dự thảo biểu mẫu và đang tích cực hoàn thiện để có thể có biểu mẫu ngay thời điểm Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Theo ông Phan Đức Hiếu, trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), về cơ bản, hệ thống đăng ký kinh doanh (theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã sẵn sàng để triển khai. Tuy nhiên, nghị định có thể sẽ chậm một vài ngày sau khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực, nhưng so với thực tiễn ở Việt Nam, ông Hiếu cho rằng một nghị định ban hành chậm vài ngày đã là thành công.

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), theo ông Hiếu, không có thông tư hướng dẫn, mà chỉ có nghị định. “Có thông tư thì thông tư duy nhất là thông tư không có chữ, tức chỉ ban hành tất cả những biểu mẫu cần thiết,” ông Hiếu ví von.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có một số thắc mắc liên quan đến việc Luật Đầu tư (sửa đổi) tách giấy chứng nhận đầu tư và thành lập doanh nghiệp thành hai thủ tục riêng biệt thay vì như hiện nay là giấy chứng nhận đầu tư cũng đồng thời là giấy đăng ký kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là nếu doanh nghiệp thay đổi vốn đầu tư thì có phải thay đổi cả hai giấy này?

Theo ông Tuấn, trước đây vì chỉ sử dụng một giấy, nên việc phân định vốn đầu tư và vốn điều lệ của doanh nghiệp chưa rõ ràng. Quy định mới thì phân định rõ ràng, theo đó doanh nghiệp tăng vốn đầu tư mà không thay đổi dự án thì không phải đăng ký lại giấy chứng nhận về thành lập doanh nghiệp. Có những trường hợp thay đổi nội dung của dự án, hay thay đổi nội dung nào đó khiến thay đổi cả nội dung đầu tư và đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp phải thay đổi cả hai giấy trên.

Cũng theo ông Tuấn, có ý kiến cho rằng việc tách hai quy trình là thêm thủ tục, nhưng thực tế việc nhập hai thủ tục trên thuận tiện lúc ban đầu, nhưng khi có điều chỉnh nội dung nào đó thì lại rất phức tạp. Tổng thời gian thực hiện hai quy trình trên cũng sẽ được rút ngắn. Hiện việc thẩm tra và cấp giấy đăng ký kinh doanh mất 45 ngày, nhưng với quy định mới, việc thực hiện cả hai thủ tục trên chỉ mất 18 ngày.

Ngoài ra, liên quan đến thắc mắc của doanh nghiệp về tên doanh nghiệp bằng tiếng Anh và con dấu doanh nghiệp, ông Tuấn cho biết, Luật Doanh nghiệp hiện nay quy định tên doanh nghiệp phải viết và đọc bằng tiếng Việt. Trong khi đó luật mới chỉ quy định tên doanh nghiệp phải viết bằng bảng chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, nên sau ngày 1-7, doanh nghiệp có thể yên tâm với tên tiếng Anh, và tên tiếng Anh này có thể được đưa vào con dấu vì theo quy định mới, doanh nghiệp có thể bổ sung bất cứ thông tin nào vào con dấu của doanh nghiệp (ngoại trừ những từ ngữ và hình ảnh, như quốc huy, quốc kỳ, đảng kỳ,... vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa... - PV).

Nguồn:TBKTSG