menu search
Đóng menu
Đóng

Tháng 7/2016 mới lại áp dụng điều kiện về nhập khẩu máy móc cũ

07:01 07/09/2015

Vinanet - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Thông tư 20/2014/TT-BKHCN về nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, dự thảo lần 9 Thông tư sửa đổi Thông tư 20 đã đưa ra yêu cầu tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu.

Giải thích cho quy định này, Bộ cho rằng lí do là vòng đời công nghệ thiết bị trung bình thường từ 7-10 năm tùy thuộc ngành, lĩnh vực. Ví dụ đối với thiết bị ngành công nghệ thông tin, vòng đời khoảng 5 năm; còn đối với sản phẩm cơ khí, khoảng 10-15 năm.

Dự thảo lần 9 cũng đưa ra yêu cầu thiết bị phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc (QCVN) gia hoặc Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Dự thảo lần 9 cũng đã không sử dụng tiêu chí chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu như Thông tư 20 đã áp dụng.

Lý do đưa ra yêu cầu này, theo Bộ Khoa học và Công nghệ là nhằm giải quyết vướng mắc khi phải giám định về chất lượng còn lại. Đồng thời giải quyết được ý kiến lo ngại có thể để lọt máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ Trung Quốc kém chất lượng nhưng vẫn đáp ứng về thời gian dưới 10 năm.

Đối với trường hợp các dự án đầu tư nước ngoài FDI chuyển cả dây chuyền công nghệ đang sản xuất từ các nước khác về đầu tư sản xuất tại Việt Nam như trường hợp của Microsoft, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết vẫn còn 2 vấn đề cần cân nhắc.

Một số ý kiến cho rằng trường hợp các nhà đầu tư FDI lớn dịch chuyển máy móc thiết bị vào Việt Nam sẽ gặp vướng mắc khi hạn chế tuổi của thiết bị không quá 10 năm.

Để giải quyết vấn đề này, dự thảo lần 9 quy định: Đối với các dự án đầu tư nước ngoài, nếu trong hồ sơ dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư, đã có kèm theo Danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sẽ được nhập khẩu mà không phải áp dụng điều kiện nhập khẩu theo quy định tại Thông tư này.

 

Cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu cần) có thể xin ý kiến của cơ quan quản lí khoa học và công nghệ trước khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp phép đầu tư.

“Trong trường hợp này, để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng để đưa thiết bị cũ vào Việt Nam, Thông tư quy định sau khi nhập khẩu không cho phép bán hoặc chuyển nhượng thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất đã qua sử dụng cho doanh nghiệp khác hoặc dự án khác”, Bộ đưa ra quan điểm.

Tuy nhiên, điều này có thể sẽ vướng với Luật Đầu tư, vì trong Luật Đầu tư không quy định hồ sơ dự án đầu tư phải có danh mục thiết bị của dự án,

Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng dự thảo 9 quy định không vướng Luật Đầu tư, vì chỉ quy định “lỏng”.

Bởi vì nếu nhà đầu tư FDI có kê khai danh mục thiết bị của dự án mà được thông qua chủ trương đầu tư hoặc cấp phép, sẽ được nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng mà không cần đáp ứng yêu cầu. Còn nhà đầu tư nào không có danh mục thiết bị trong hồ sơ dự án thì khi nhập khẩu sẽ phải tuân thủ các yêu cầu nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng quy định tại Thông tư này.

“Điều có có nghĩa là Thông tư không quy định bắt buộc phải có danh mục thiết bị trong hồ sơ dự án. Nhà đầu tư có thể đưa hoặc không đưa danh mục thiết bị vào hồ sơ dự án. Hơn nữa, Luật Đầu tư cũng không có quy định cấm đưa danh mục thiết bị vào hồ sơ dự án".

Dự thảo lần 9 đề xuất hiệu lực văn bản từ ngày 1/7/2016 (dự kiến ban hành Thông tư cuối quý 3/2015) vì cần có thời gian để các bên liên quan chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Thông tư.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định cần ban hành Thông tư này để hạn chế việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng vào Việt Nam, tránh nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. Đồng thời, tránh nguy cơ mất sức cạnh tranh khi gia nhập TPP và các hiệp định thương mại khác. Bởi nếu nhập khẩu thiết bị cũ, lạc hậu sẽ không tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành rẻ và giá trị gia tăng cao, hàng hóa Việt Nam sẽ không cạnh tranh được và doanh nghiệp Việt Nam sẽ đổ vỡ.

Trước đó, năm 2014, Thông tư 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã phải tạm dừng hiệu lực thi hành để sửa đổi do vấp phải sự phản ứng dữ dội của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Lý do là Thông tư 20 có nhiều điểm chưa phù hợp, khó khả thi như thời hạn đã sử dụng của máy móc không quá 5 năm.

Hà Bình