Tại buổi thông tin về các dự án tại khu phố cổ Hà Nội, việc lát đá 11 tuyến phố trở thành vấn đề được các báo chất vấn nhiều nhất. Theo ông Tuấn Long, Trưởng ban Quản lý di tích phố cổ Hà Nội, thành phố vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện.
Ông Long cho biết, lát đá có mục đích thúc đẩy khai thác tối đa cảnh quan kiến trúc ở phố cổ Hà Nội. 11 tuyến phố này có thể được chia làm hai nhóm. Một, gồm 5 phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy sẽ trở thành tuyến phố thương mại. Nhóm còn lại Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Hàng Giầy, Đào Duy Từ sẽ là khu phố ẩm thực đi bộ.
Ông Long cho biết, chất liệu đá tự nhiên sẽ dùng lát phố cổ là do chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn. Trước đây, những đoạn đường này đều lát bằng các sản phẩm khoa học công nghệ.
Trước câu hỏi của phóng viên Thanh Niên Online, ông Long không đưa ra được con số cụ thể về kinh phí dự kiến cho đề án lát đá này. “Chúng tôi còn phải căn cứ vào thiết kế mới có thể tính toán ra tổng mức đầu tư", ông Long trả lời.
Dù chưa có con số tính toán cụ thể, nhưng trong đề nghị xin ý kiến về việc lát đá phố cổ trước đó, quận Hoàn Kiếm đã đề nghị nguồn tài chính lấy từ ngân sách quận.
Ông Long cũng cho biết, vào thời điểm 2011, đề án cải tạo lát đá phố Tạ Hiện với chiều dài 55 m tiêu tốn 1,5 tỉ đồng.
Giáo sư - kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho rằng, phố cổ còn có nhiều việc phải làm hơn việc lát đá, chẳng hạn các dự án trùng tu để giải tỏa những “ổ người” trong các di tích. “Các dự án ở phố cổ phải bắt nguồn từ lợi ích của người dân mà đặt ra kế hoạch”, ông Kính nói.
Theo Trinh Nguyễn
Thanh Niên
Nguồn:Thanh Niên