Các công ty New Zealand cũng đang đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong một số lĩnh vực, như sản xuất đồ gỗ, theo Bộ trưởng phát triển kinh tế, giáo dục đại học, kỹ năng và nghề nghiệp của New Zealand, ông Steven Joyce.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của TBKTSG Online hôm 7-8 tại TPHCM trong chuyến thăm của ông Steven Joyce đến Việt Nam từ ngày 5 đến 7-8, vị bộ trưởng này cho biết, doanh nghiệp New Zealand xem Việt Nam là thị trường tiềm năng không chỉ so với các nước ASEAN mà còn so với nhiều nước trên thế giới, vì đây là thị trường đông dân, trẻ, và kinh tế, thương mại cũng đang phát triển.
Theo ông Steven Joyce, tuỳ quyết định của từng doanh nghiệp, nhưng những ngành công nghiệp được đánh giá là New Zealand có cơ hội tăng cường hợp tác, xuất khẩu hơn nữa vào Việt Nam là chế biến thực phẩm, đồ uống, gỗ, ngoài ra còn có lĩnh vực du lịch và giáo dục.
“Còn có rất nhiều tiềm năng hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác hơn nữa như giáo dục, dịch vụ, và tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp New Zealand hiện thấy Việt Nam là một trong những đối tác lý tưởng so với nhiều nước khác trong khu vực”, vị bộ trưởng phát triển kinh tế, giáo dục đại học, kỹ năng và nghề nghiệp của New Zealand cho biết.
Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online về việc tại sao sau 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và có hiệp định thương mại ASEAN-Úc-New Zealand, nhưng đến thời điểm này thương mại song phương giữa Việt Nam và New Zealand chỉ đạt gần 800 triệu đô la Mỹ (2014), ông Steven Joyce cho biết, thực ra nếu tính cả ngành dịch vụ, thương mại hai chiều của hai nước hiện gần 1 tỉ đô la Mỹ.
Trong 2-3 năm qua New Zealand cố gắng tập trung hơn nữa vào thị trường Việt Nam, nhưng New Zealand là nước nhỏ nên không phải cơ hội nào doanh nghiệp cũng có thể nắm bắt được. Chính phủ New Zealand nhận thấy ASEAN nói chung và Việt Nam sẽ là những thị trường trọng tâm của New Zealand trong thời gian tới. Tuy nhiên, tất cả mối quan hệ thương mại hiện có giữa Việt Nam và New Zealand đều chưa đủ và cần đẩy mạnh hơn nữa.
Theo vị bộ trưởng New Zealand, mặc dù hai nước đã xây dựng quan hệ từ lâu, nhưng hình ảnh New Zealand tại Việt Nam chưa đủ sâu và chưa được khai thác một cách triệt để. Để đẩy mạnh xuất khẩu sang New Zealand, ông Steven Joyce cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ về thị trường này và thông qua cơ quan đại diện thương mại của New Zealand tại Việt Nam (New Zealand Trade and Enterprises – NZTE) để kết nối với doanh nghiệp New Zealand.
“Điều quan trọng là làm thế nào để hai bên hiểu rõ về nhau. Phải có chiến lược quảng bá hình ảnh để hai nước hiểu biết về nhau hơn nữa. Giáo dục cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng. Mặc dù tại Việt Nam đã có đại diện giáo dục của New Zealand, nhưng tôi nghĩ cần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ về giáo dục giữa hai nước trong thời gian tới”, vị này cho biết thêm.
Ông Steven Joyce cũng cho biết, dự kiến Thủ tướng New Zealand sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11-2015.
Trong chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 3- 2015, bản thỏa thuận sửa đổi về vận chuyển hàng không và bản thỏa thuận mới về hợp tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã được ký kết giữa hai nước. Các bản thỏa thuận này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại, đầu tư và đi lại giữa hai nước.
Theo thông tin từ Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội, Việt Nam hiện là đối tác thương mại có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực ASEAN trong 5 năm trở lại đây và là đối tác thương mại lớn thứ 20 của New Zealand. Dự kiến thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 875 triệu đô la Mỹ tính tới cuối năm 2015, tức tăng 10% so với năm 2014. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá sẽ là triển vọng mới giúp tăng cường các cơ hội đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và New Zealand.
Đồ ăn và đồ uống là một trong những trọng tâm xuất khẩu của New Zealand tới Việt Nam. Chẳng hạn như, trong 5 năm trở lại đây, xuất khẩu táo tới Việt Nam đã tăng khoảng 38% mỗi năm. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam tới thị trường New Zealand là điện thoại di động, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, cà phê, hạt tiêu và hạt điều. Kể từ năm 2014, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu trái thanh long và xoài tới New Zealand.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand với kim ngạch trên 316 triệu đô la Mỹ (trong đó chiếm phần lớn là mặt hàng điện thoại di động) và nhập khẩu trên 478 triệu đô la Mỹ (chủ yếu là sữa).
Theo TThu
TBKTSG
Nguồn:TBKTSG