Thống nhất nhiều vấn đề hợp tác thiết thực, cụ thể
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), mới đây, ngày 25/5, tại London, Vương quốc Anh, Khóa họp lần thứ 12 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh (JETCO 12) đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An và Quốc vụ khanh Chính sách thương mại, Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Penny Mordaunt.
Tham dự Khóa họp, về phía Việt Nam có đại diện của các Bộ: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch Đầu tư, Ngoại giao, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Về thành phần doanh nghiệp, tham gia Đoàn công tác lần này còn có Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tập đoàn FPT và Việt Nam Airlines cũng đã cử các Trưởng đại diện thường trú tại Anh tham gia các sự kiện lần này.
Phát biểu tại Khóa họp JETCO 12, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, qua 11 kỳ họp trước, cơ chế về hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh đã có những bước phát triển bền vững, góp phần giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp hai nước. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - UK (UKVFTA) đi vào thực thi được hơn 1 năm đã giúp thương mại xuất nhập khẩu hai chiều tăng trưởng tích cực bất chấp đại dịch Covid-19, đạt 6,6 tỷ USD năm 2021, tăng 17,2% so với năm 2020.
Tại Khóa họp JETCO 12, hai bên đã có những thảo luận thực chất, thống nhất về nhiều vấn đề hợp tác thiết thực, cụ thể như: Ngoại giao; COP26 và năng lượng tái tạo; nông sản, thực phẩm và đồ uống; công nghệ và công nghệ tài chính; chăm sóc sức khỏe và dược phẩm; giáo dục; công nghiệp; quản lý thị trường và phòng vệ thương mại.
Về lĩnh vực chính trị - ngoại giao, hai bên thống nhất phối hợp thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vương quốc Anh (1973-2003).
Về lĩnh vực năng lượng, hai bên sẽ phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chủ đề về biện pháp hỗ trợ để Việt Nam từng bước thực hiện chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phía Anh tích cực chia sẻ kinh nghiệm, nguồn vốn, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam về triển khai dự án năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi,…
Về lĩnh vực nông sản, hai bên thống nhất tăng cường hợp tác, nghiên cứu công nghệ về phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi; mở cửa thị trường xuất khẩu thịt heo, gia cầm. Phía Việt Nam cũng đề xuất thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp về đầu tư, ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, phân phối nông sản, thực phẩm
Về lĩnh vực công nghệ và công nghệ tài chính, hai bên hợp tác nghiên cứu áp dụng Fintech trên thị trường chứng khoán; tháo gỡ các khó khăn trong hoạt động quản lý vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về lĩnh vực y tế, dược phẩm, hai bên trao đổi về khả năng phía Anh hỗ trợ, tập huấn, nâng cao năng lực cho Việt Nam về các nghiệp vụ kiểm định dược phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp Anh hợp tác đầu tư sản xuất dược phẩm, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Về lĩnh vực giáo dục và dạy nghề, Việt Nam đề xuất Anh quan tâm việc mở phân hiệu các trường đại học uy tín của Anh tại Việt Nam; Anh hỗ trợ Việt Nam hội nhập quốc tế về giáo dục, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các chuyên gia, nhà khoa học Anh làm việc tại Việt Nam; hai bên phối hợp về chính sách cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; sớm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ailen đã ký ngày 05/4/2022.
Về lĩnh vực công nghiệp, hai bên hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo. Cụ thể: thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp Anh vào Việt Nam; hợp tác đào tạo, tư vấn cải tiến doanh nghiệp và nâng cao nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Về lĩnh vực quản lý thị trường, phòng vệ thương mại, hai bên hợp tác nâng cao năng lực quản lý thị trường, đặc biệt trên lĩnh vực thương mại điện tử, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng; xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động Quản lý thị trường; chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, trao đổi thông tin về xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, hợp tác về cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.
Hai bên cũng ghi nhận những đề xuất hợp tác, tháo gỡ khó khăn của một số doanh nghiệp Việt Nam như FPT, Vietnam Airlines, Bamboo Airways.
Phát biểu tại Khóa họp, Quốc vụ khanh Penny Mordaunt khẳng định, những vấn đề đã được trao đổi tại JETCO 12 thực sự thiết thực và cụ thể. Hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ, nỗ lực giải quyết triệt để, hiệu quả các vấn đề đã thảo luận tại Khóa họp này, góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Anh đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Tăng cường hợp tác góp phần giúp Việt Nam thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng
Ngay sau Khóa họp JETCO 12, phía Anh đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp và hội thảo bàn tròn về năng lượng tái tạo.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp, sự kiện đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu Việt Nam và Anh tại một loạt các lĩnh vực như: nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, tài chính ngân hàng, dược phẩm và y tế, năng lượng...
Cũng tại Diễn đàn này, British University Việt Nam và University of London Worldwide đã thực hiện lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác. Đây là một trong chuỗi các hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, góp phần hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu quốc tế hóa giáo dục ở Việt Nam và hội nhập quốc tế trong khu vực và toàn cầu; đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng gần hơn tới các tiêu chuẩn quốc tế.
Tại hội thảo bàn tròn về năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp Anh đã có cơ hội giới thiệu về năng lực và tiềm năng hợp tác về công nghệ, kỹ thuật và các nguồn vốn ưu đãi đầu tư; nhất là hỗ trợ trong việc khơi thông, thu hút các nguồn tài chính từ khu vực công - tư để thúc đẩy hợp tác đầu tư góp phần giúp Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng, nhằm đạt cam kết của mình tại Hội nghị COP26 hồi tháng 11 vừa qua.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Anh, trước đó, ngày 23-24/5, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã có các buổi tiếp xúc, làm việc với ông Graham Stuart - đặc phái viên về thương mại của Thủ tướng Anh đối với Việt Nam, Lào và Campuchia; ông John Murton - Đặc phái viên của Chính phủ Anh về COP26; ông Micheal Lawrence - Giám đốc điều hành của Asia House (Tổ chức tư vấn về chính sách cho Chính phủ và doanh nghiệp Anh); ông Morten Dyholm - Chủ tịch Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) và ông Simon Harford - Tổng giám đốc Quỹ Liên minh năng lượng toàn cầu cho con người và hành tinh (Quỹ GEAPP là tổ chức nhân đạo được thành lập bên lề COP 26 với quy mô hỗ trợ trên 10 tỷ đô la Mỹ, do Quỹ Rockefeller, Quỹ IKEA và Quỹ Bezos Earth Fund đồng sáng lập).
Tại các buổi làm việc này, phía Anh mong muốn được nghe thông tin về quy trình dự thảo Quy hoạch điện VIII, trao đổi về khả năng hỗ trợ của Chính phủ và doanh nghiệp Anh để Việt Nam thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng và phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.