Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 1, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,74 tỷ USD, tăng 19,36% so với cùng kỳ năm 2021.
Hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đều có mặt ở thị trường Mỹ, trong đó, dệt may; điện thoại; máy móc, thiết bị là 3 nhóm hàng đạt 1 tỷ USD trở lên. Ngoài ra còn nhiều nhóm xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép…
Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 3,9 tỷ USD, nhưng giảm 15,22%. Đây cũng là quốc gia duy nhất trong nhóm 4 thị trường xuất khẩu chủ lực có kim ngạch sụt giảm.
Điện thoại và linh kiện là nhóm xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 956 triệu USD, nhưng giảm tới 35,54% so với cùng kỳ năm ngoái. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 760 triệu USD, cũng giảm 6,52%.
Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện lớn có tăng trưởng ấn tượng khi đạt 295,6 triệu USD, tăng 36,4%.
Đứng thứ ba là Nhật Bản với 2 tỷ USD, tăng 17,2%. Dệt may; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; thủy sản; gỗ và sản phẩm… là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang Nhật Bản với kim ngạch đạt từ 100 triệu USD trở lên.
Hàn Quốc đạt 1,97 tỷ USD, tăng 7%, là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt, may; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng… là những nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch hàng trăm triệu USD.
Như vậy, 3/4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nằm ở châu Á, trong khi châu Âu chưa có thị trường nào đạt kim ngạch tỷ USD trong tháng 1, ở châu Âu, các thị trường sắp đạt cột mốc này như Hà Lan, Đức...
Tháng 1, riêng 4 thị trường lớn chiếm hơn 57% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong 4 thị trường chủ lực, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ và Nhật Bản, trong khi nhập siêu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nguồn:haiquanonline