menu search
Đóng menu
Đóng

8 tháng 2017, nền kinh tế duy trì tăng trưởng khá

14:28 30/08/2017

Vinanet - Sản xuất nông nghiệp ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới, xuất nhập khẩu… đều tăng khá là những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế nước ta 8 tháng qua.

Đây là những thông tin được nêu trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng 2017 của Tổng cục thống kê công bố ngày 29/8. Theo đó, sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa và thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu. Tính đến ngày 15/8, cả nước đã gieo cấy được 1.349,4 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đã cơ bản kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1.128 nghìn ha, bằng 100,1%; các địa phương phía Nam đạt 221,4 nghìn ha, bằng 98,4%. Vụ mùa năm nay các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng do mưa lớn xảy ra trên diện rộng hồi cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám với 387 ha lúa bị mất trắng và 6,8 nghìn ha diện tích lúa phải gieo cấy lại.

Tính đến trung tuần tháng Tám, cả nước thu hoạch được 1.056,9 nghìn ha lúa hè thu, bằng 111,1% cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 947,6 nghìn ha, bằng 104,2% cùng kỳ năm 2016. Diện tích lúa hè thu còn lại dự tính cuối tháng Tám sẽ thu hoạch xong toàn bộ. Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa hè thu trên diện tích đã thu hoạch đạt khoảng 54,9-55,4 tạ/ha, tăng 1-1,5 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 55-55,6 tạ/ha, tăng 1,2-1,8 tạ/ha.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 5%; ngành chế biến, chế tạo tăng 12,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,3%. Tính chung 8 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2016 nhưng cao hơn mức tăng 6,5% của 7 tháng năm nay. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2017 tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm 2016. Lao động trong các doanh nghiệp tại thời điểm 01/8/2017 so với cùng thời điểm năm trước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Bắc Ninh tăng 26,3%; Đồng Nai tăng 7,6%; Hải Dương tăng 7,5%; Thái Nguyên tăng 6,6%; Bình Dương tăng 5%; Vĩnh Phúc tăng 4,4%; Hải Phòng tăng 4,3%; Cần Thơ tăng 1,6%; Đà Nẵng tăng 1,4%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,8%; Hà Nội tăng 0,3%; Quảng Nam giảm 1,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 2,8%.

Trong tháng 8, cả nước có 12.404 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 131,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn đăng ký so với tháng 7/2017. Tính chung 8 tháng năm nay, cả nước có 85.357 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 822,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% về số doanh nghiệp và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 24,5%.

Đáng chú ý là, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 ước tính đạt 26.509,8 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 6.468,5 tỷ đồng; vốn địa phương 20.041,3 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 166,4 nghìn tỷ đồng, bằng 56,1% kế hoạch năm và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong 8 tháng năm nay, cả nước có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới. Trong số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 4.829,1 triệu USD, chiếm 35,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Xin-ga-po 2.841 triệu USD, chiếm 21,1%; Hàn Quốc 2.172,6 triệu USD, chiếm 16,1%; Trung Quốc 1.270,9 triệu USD, chiếm 9,4%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 587 triệu USD, chiếm 4,4%; CHLB Đức 322,4 triệu USD, chiếm 2,4%.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 ước tính đạt 18,20 tỷ USD, tăng 3% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,33 tỷ USD, tăng 0,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,87 tỷ USD, tăng 4%. Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 133,50 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 37,83 tỷ USD, tăng 15,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,67 tỷ USD, tăng 18,9%.

Ước tính tháng 8, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 17,80 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,30 tỷ USD, tăng 2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,50 tỷ USD, tăng 2,4%. Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 135,63 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,24 tỷ USD, tăng 18,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 81,39 tỷ USD, tăng 25%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 8 tháng năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 36,4 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2016; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 30,2 tỷ USD, tăng 47,5%[6]; ASEAN đạt 18,1 tỷ USD, tăng 17,8%; Nhật Bản đạt 10,5 tỷ USD, tăng 8,9%; EU đạt 7,9 tỷ USD, tăng 12,5%; Hoa Kỳ đạt 6,2 tỷ USD, tăng 17,5%.

Cán cân thương mại thực hiện tháng Bảy xuất siêu 266 triệu USD; tháng 8 ước tính xuất siêu 400 triệu USD. Tính chung 8 tháng năm 2017 nhập siêu 2,13 tỷ USD, bằng 1,6% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,41 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,28 tỷ USD.

Nguồn: dangcongsan.vn