Cả 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cảm nhận rõ những khó khăn. Kinh tế Mỹ đang trên đà ghi nhận tốc độ tăng trưởng 5,8% trong quý III, theo ước tính của Bloomberg Economics, thấp hơn so với mức 6,6% trong quý.
Tại Trung Quốc, Bloomberg Economics đang dự đoán mức tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 7,9% trong quý II vừa qua. Nền kinh tế nước này không chỉ đối mặt với sự lây lan của biến thể Delta, mà còn là cuộc trấn áp quy định của chính phủ đối với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao. Đây có khả năng sẽ là đòn giáng mạnh vào niềm tin kinh doanh, khi Bắc Kinh theo đuổi mục tiêu "thịnh vượng chung."
Đà giảm tốc đang diễn ra nhanh hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế. Theo đó, các NHTW và chính phủ phải đối mặt với thách thức "kép" từ sự hồi phục chậm lại và áp lực lạm phát.
Bjorn van Roye và Tom Orlik - 2 nhà kinh tế của Bloomberg, cho hay: "Chúng ta không chứng kiến xu hướng giảm tốc gây hoảng loạn. Dữ liệu cho thấy sự hồi phục chậm rãi hơn chứ không phải là sự đảo ngược. Tuy nhiên, những số liệu mới nhất là một lời nhắc nhở rằng dịch bệnh vẫn là một yếu tố quan trọng, tiêu cực và khó dự đoán đối với triển vọng kinh tế."
Từ doanh số bán lẻ của Mỹ cho đến sản lượng nhà máy của Trung Quốc, Bloomberg Economics đều tổng hợp hàng trăm điểm dữ liệu để đưa ra dự đoán về tốc độ tăng trưởng và mức độ lạm phát của các nền kinh tế lớn, trước khi dữ liệu chính thức được công bố. Kết quả mới nhất cho thấy các nền kinh tế lớn chứng kiến sản lượng vào cuối năm nay vẫn có khoảng cách đáng kể so với xu hướng trước Covid.
Thông thường, lạm phát vẫn thấp khi nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp. Song, trong bối cảnh đầy biến động của giai đoạn hồi phục hậu Covid, điều này không còn đúng. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển và giá hàng hóa tăng cao là một thực tế, nhưng sản lượng vẫn ở dưới mức cần thiết, lạm phát ở nhiều quốc gia đã vượt mục tiêu của các NHTW.
Theo Bloomberg Economics, một tin tốt trong quý III là chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ sẽ đạt đỉnh và bắt đầu giảm dần. Còn tin xấu là, các nhà kinh tế dự báo, Eurozone và Anh sẽ chứng kiến lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của các NHTW. Trong khi đó, dù giá tại cổng nhà máy ở Trung Quốc tăng vọt, thì người tiêu dùng cho đến nay vẫn chưa chứng kiến chi phí bị đẩy lên cao.
Đối với các NHTW lớn nhất thế giới, việc đà phục hồi bị giảm động lực và lạm phát tăng cao sẽ là một tình huống phức tạp. Sự hồi phục yếu hơn sẽ tạo áp lực để họ đưa ra thêm biện pháp kích thích, còn giá liên tục ở mức cao khiến họ phải cân nhắc giảm quy mô.
Tình trạng này cũng tương tự như đợt lạm phát kèm suy thoái vào những năm 1970. Nếu xảy ra, Chủ tịch Fed Jerome Powell, Chủ tịch ECB Christine Lagarde và những người đồng cấp sẽ không có nhiều lựa chọn dễ dàng.
Quyết định gần đây nhất của ECB là một ví dụ cho sự khó khăn đó. Dù chương trình Đánh giá Chiến lược được kết luận gần đây hứa hẹn về một động thái mạnh mẽ để giảm sức nóng cho nền kinh tế, bà Lagarde tuần trước đã công bố kế hoạch giảm tốc độ mua trái phiếu.
Ở Trung Quốc, NHTW phải đối mặt với sự đánh đổi khác giữa việc hỗ trợ tăng trưởng bằng chính sách nới lỏng và giảm thiểu rủi ro bong bóng tín dụng bằng việc thắt chặt hơn. Những dấu hiệu mới nhất cho thấy tăng trưởng sẽ là mối ưu tiên. Các chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ giải phóng nguồn vốn cho các ngân hàng để thúc đẩy hoạt động cho vay trong những tháng tới.
Đối với Fed, tăng trưởng giảm tốc và lạm phát vẫn ở mức cao là nguyên nhân NHTW chưa thay đổi chính sách. Năm nay, ông Powell vẫn duy trì quyết định giảm quy mô của chương trình mua tài sản.
Tuy nhiên, con đường phía trước lại gập ghềnh hơn bởi hoạt động tuyển dụng tại Mỹ có diễn biến không như mong đợi vào tháng 8. Hơn nữa, khi biến thể Delta lây lan và chuỗi cung ứng vẫn gặp khó khăn, thì khả năng "taper" của Fed vẫn là không chắc chắn.
Nguồn:Chi Lan / Doanh nghiệp & tiếp thị