Nỗ lực tiếp sức nền kinh tế
Ngay từ đầu tháng 2/2020 khi dịch COVID-19 xuất hiện, hàng loạt các ngân hàng thương mại đã công bố giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1,5%/năm đối với khách hàng vay vốn mới và cả khách hàng hiện hữu song song với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch. Hơn 70.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 tại thời điểm đó.
Số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước đến tháng 11/2020 cho thấy các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.183 khách hàng với dư nợ 341.855 tỷ đồng. Bên cạnh đó, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 552.725 khách hàng với dư nợ 931.018 tỷ đồng. Đồng thời, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đạt 2.017.761 tỷ đồng cho 356.385 khách hàng.
Cho đến nay, biểu lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục được điều chỉnh giảm nhiều lần, tạo điều kiện tiếp sức cho doanh nghiệp và cá nhân khôi phục sản xuất kinh doanh.
Gần đây nhất, ngày 15/12/2020, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố đợt giảm lãi suất thứ 5 kể từ đầu năm đến nay. Theo đó, Vietcombank tiếp tục giảm tới 1%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng từ 15/12/2020 đến hết 15/3/2021.
"Chưa bao giờ mặt bằng lãi suất lại hấp dẫn như hiện nay. Đối với các dự án hiệu quả, lãi suất cho vay ngắn hạn tại Vietcombank chỉ 6%/năm", ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho hay.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất cho vay VND có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,5%/năm; lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức từ 3 - 6%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức từ 3 - 4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2 - 6%/năm.
Giá vốn hấp dẫn là vậy nhưng trong 3 quý đầu năm 2020, tín dụng tăng trưởng chậm, chỉ đạt 6,09%, thấp hơn nhiều so với mức 9,4% cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất từ năm 2013 trở lại đây. Trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm nhanh, tăng trưởng tín dụng chưa có sự bứt phá, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chủ yếu do sức cầu còn yếu và khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng của một số khách hàng khó khăn hơn bởi năng lực tài chính giảm sút.
Dù vậy, trong khoảng thời gian nước rút của quý cuối năm, TS. Cấn Văn Lực tin tưởng với nhiều giải pháp đồng bộ từ phía Ngân hàng Nhà nước cũng như nỗ lực của các ngân hàng thương mại, tín dụng có thể tăng thêm 1%/tháng để đạt mức tăng trưởng 9% trong năm 2020.
Bên cạnh đó, một trong những nỗi lo lớn của ngành ngân hàng hiện nay là sự phình to của khối nợ xấu. Dù kết thúc quý III/2020, nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dương nhưng giới chuyên gia cho rằng, những kết quả trên chưa phản ánh một cách đầy đủ sức khỏe của ngân hàng.
"Các báo cáo về nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng năm nay chưa thể hiện đúng thực chất bởi họ được phép không chuyển nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Từ đó, việc trích lập dự phòng rủi ro cũng còn chưa mạnh tay", TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế nhận định.
Báo cáo mới nhất từ Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng được thống kê tại ngày 30/9/2020 là hơn 111.000 tỷ đồng, tăng 29,5% so với đầu năm, trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh đến 70%.
Theo Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, lợi nhuận năm 2020 của ngân hàng có khả năng giảm nhịp so với năm trước. Song, Vietcombank đã làm tròn hai chức năng và thực hiện mục tiêu kép: vừa là ngân hàng thương mại kinh doanh có hiệu quả và an toàn, nộp ngân sách cao; vừa là ngân hàng tiên phong trong vai trò của doanh nghiệp nhà nước chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp với người dân với 5 lần hạ lãi suất cho vay.
Về chất lượng tín dụng, vị Chủ tịch này cho biết, Vietcombank đã chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng bán lẻ nhằm tăng hiệu quả kinh doanh do lãi suất cho bán lẻ bao giờ cũng cao hơn bán buôn nhưng rủi ro lại thấp hơn vì có tài sản thế chấp. Mặc khác, chính sách quản trị rủi ro tín dụng của Vietcombank khá thận trọng.
"Do đó, dù việc giãn nợ theo Thông tư 01 phần nào có ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng nhưng tác động đó không lớn. Và khi Thông tư hết hiệu lực, cơ bản các doanh nghiệp sẽ có dòng tiền trả nợ đúng hạn. Vì vậy, sang năm 2021, Vietcombank nhất quán là nợ xấu vẫn kiểm soát mức 1%", ông Nghiêm Xuân Thành khẳng định.
Củng cố sức mạnh nội tại
Giữa bối cảnh những khó khăn chung do đại dịch COVID-19, việc nhiều ngân hàng nỗ lực để đạt được các trụ cột của Basel II (Hiệp ước Basel phiên bản II) đã thể hiện sự chủ động trong việc ứng phó, nâng cao năng lực kiểm soát rủi ro nợ xấu. Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II trước hạn.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng đã công bố hoàn thành cả 3 trụ cột này.
Đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó 18 tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng trước thời hạn tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41, có 7 ngân hàng hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II.
Trong khi các ngân hàng còn lại cũng đang tích cực nâng cao quy mô vốn và cải thiện bảng tài sản để áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 và hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II. Việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quản lý rủi ro quốc tế như Basel là yêu cầu tiên quyết để các ngân hàng nâng cao năng lực quản lý rủi ro cũng của mình.
Bên cạnh đó, cơ hội tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính phục vụ tăng trưởng lại mở ra với các ngân hàng quốc doanh trong năm 2020.
Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã được Quốc hội cho phép tăng vốn điều lệ bằng nguồn tiền ngân sách, khoản tiền này bằng với lãi sau thuế nhà băng này nộp ngân sách năm 2020, tối đa 3.500 tỷ đồng.
Còn với Vietcombank, BIDV và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), phương án tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng rộng mở khi Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP, mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Theo TS. Cấn Văn Lực, tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh là việc khẩn thiết hơn bao giờ hết khi các ngân hàng này đang căng sức hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Nếu không tăng vốn kịp thời, khối ngân hàng này sẽ bị bỏ xa so với khối ngân hàng cổ phần.
Hiện tại, BIDV là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống với 40.220 tỷ đồng. Theo sau lần lượt là VietinBank (37.234 tỷ đồng), Vietcombank (37.088 tỷ đồng), Agribank (30.641 tỷ đồng).
Nhận định về triển vọng ngành ngân hàng năm 2021, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát chặt như hiện nay, ngành ngân hàng sẽ có sự phục hồi khả quan vào năm tới, cải thiện rõ nét nhất trong nửa cuối năm. Tuy vậy, nhìn ra thế giới, để nền kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo phải cần ít nhất là 2 năm nữa.
Nguồn:Lê Phương / BNEWS/TTXVN