menu search
Đóng menu
Đóng

Cán cân thương mại sẽ cân bằng vào cuối năm 2021

07:51 01/10/2021

Nhiều khả năng đến cuối năm 2021, cán cân thương mại của Việt Nam có thể cân bằng và nếu tình hình lạc quan hơn còn có thể xuất siêu nhưng ở mức thấp.

Theo thông tin được công bố tại buổi Họp báo thường kỳ quý 3/2021 do Bộ Công Thương tổ chức chiều nay, 30/9/2021, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9/2021 ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2021 ước xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD).
Bộ Công Thương đánh giá, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 9 tháng năm 2021 là do kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tăng, các doanh nghiệp trong nước đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất. Giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu.
Cùng với đó, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu nhưng xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6/2021 đến nay.
Trong đó, tháng 6/2021, dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh; còn trong các tháng 7/2021, 8/2021, 9/2021 dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi đang khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến ở TPHCM và các tỉnh phía Nam khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, logistics chưa bình thường trở lại.
Các doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện phải đảm bảo phòng chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng được các điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến”. Cùng với đó, nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như cơ khí, điện tử…
Quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Đánh giá về cán cân thương mại trong cả năm nay, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, 9 tháng đầu năm Việt Nam nhập siêu khoảng 2,13 tỷ USD. Nếu so với kim ngạch xuất khẩu chỉ tương đương 0,8%, đây là khoảng cách không phải quá lớn.
“Trong khi đó, vẫn còn 3 tháng trước mắt của quý 4/2021. Nếu như không có biến động lớn về kiểm soát dịch bệnh, các doanh nghiệp phía Nam lấy lại được đà phục hồi tăng trưởng, nhiều khả năng đến cuối năm 2021, cán cân thương mại của Việt Nam có thể cân bằng và nếu tình hình lạc quan hơn, Việt Nam có thể xuất siêu ở mức thấp", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Từ nay đến cuối năm để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công thương xác định tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách
9 tháng qua, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86,27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này ước đạt 207,5 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 38,5 tỷ USD, tăng 18,3%. Thị trường EU ước đạt 28,8 tỷ USD, tăng 11,5%. Thị trường ASEAN ước đạt 20,6 tỷ USD, tăng 20,8%. Thị trường Hàn Quốc ước đạt 16,1 tỷ USD, tăng 11,4%. Thị trường Nhật Bản ước đạt 14,7 tỷ USD, tăng 5,1%.

Nguồn:haiquanonline/Thanh Nguyễn

Link gốc